"Take away" – bài toán khó của các quán cafe khi vừa mở bán thì dịch Covid-19 đến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vừa bắt đầu kinh doanh chưa được bao lâu, những quán cafe mới khai trương đã phải đối mặt thêm với khó khăn khi phải tạm đóng cửa và bán mang về do dịch Covid-19 quay trở lại.
Những ô cửa nhỏ trở thành nơi duy nhất bartender (người pha chế) gặp gỡ khách hàng của mình (Ảnh: Bảo Trân)

Những ô cửa nhỏ trở thành nơi duy nhất bartender (người pha chế) gặp gỡ khách hàng của mình (Ảnh: Bảo Trân)

Kể từ 12 giờ trưa ngày 25-5-2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra quyết định tạm dừng hoạt động của các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về). Với các nhà hàng, quán ăn, quán cafe đã có kinh nghiệm từ những đợt dịch trước đó, việc đối mặt và duy trì hoạt động kinh doanh không còn là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng đây là một tình huống bất ngờ và không kịp trở tay đối với nhiều chủ quán khi mới bắt đầu công việc kinh doanh.

Dự định mở quán cafe, giải khát đáp ứng nhu cầu khách hàng khi mùa hè đến

Thời điểm chuẩn bị bước vào hè, tầm tháng 4, tháng 5 luôn được coi là “mùa cao điểm” để bắt đầu mở quán cafe. Bởi lẽ khi quán đi vào hoạt động ổn định sau 1-2 tháng, vừa đúng lúc thời tiết oi bức dần, nhu cầu giải khát tăng cao, đây sẽ là lúc lý tưởng để đón khách hàng đến quán thưởng thức những ly cafe, sinh tố mát lạnh và trò chuyện cùng bạn bè, người thân.

Đó cũng là lý do sau khi đợt dịch thứ 3 (tính từ ngày 27-1-2021) kết thúc, tại Hà Nội, nhiều quán cafe khai trương với đa dạng hình thức và quy mô, bắt đầu bán những ly cafe, nước uống đầu tiên cho khách hàng.

Đợt dịch thứ 4 kéo đến, khó khăn chồng chất khó khăn

Tuy nhiên, tình huống mà có lẽ không có chủ quán nào ngờ đến là dịch bùng phát trở lại, và Hà Nội tạm đóng cửa các quán cafe phục vụ tại chỗ, chỉ cho bán mang về (take away). Điều này khiến một số chủ quán không kịp chuẩn bị.

Chia sẻ với chúng tôi, bạn Trần Xuân Lâm (22 tuổi) chủ một quán cafe thú cưng tại Hà Nội cho biết, phải đóng cửa quán cafe và không cung cấp thêm bất kỳ dịch vụ nào, kể cả "take away" hay hợp tác với bên thứ 3 để ship đồ uống, dù quán mới mở hồi cuối tháng 4-2021 và là tâm huyết của chàng sinh viên năm cuối.

“Mình đưa ra quyết định này bởi vì rất nhiều yếu tố. Dịch đến bất ngờ khiến mình chưa kịp đăng ký app, mà bây giờ dịch thì họ cũng hạn chế làm cho. Quán mình là cafe thú cưng, phần lớn mọi người tới là để chơi với những em thú cưng ở đây, nên nếu có bán "take away" thì cũng sẽ không được nhiều. Hầu như khách hàng của mình là các bạn học sinh, sinh viên, dịch thế này họ cũng học online ở nhà hết. Quán mới mở nên mình cũng hạn chế tối đa các khoản lỗ từ việc thuê mặt bằng và duy trì quán”.

Nếu may mắn hơn, một số quán cafe vẫn duy trì được trong thời điểm này nhờ "take away" và tối giản nhân lực, tuy nhiên cũng có nhiều hạn chế.

Cyn Coffee.W một quán cafe trên đường Hoàng Hoa Thám vẫn phục vụ khách hàng với đồ uống "take away" (Ảnh: Bảo Trân)

Cyn Coffee.W một quán cafe trên đường Hoàng Hoa Thám vẫn phục vụ khách hàng với đồ uống "take away" (Ảnh: Bảo Trân)

Nuôi dưỡng niềm đam mê với những ly cafe từ thời sinh viên, tháng 3 vừa rồi, anh Nguyễn Duy Cường (25 tuổi) đã tìm thuê mặt bằng và tự tay tạo nên quán cafe của riêng mình cùng với sự giúp đỡ của bạn bè. Cuối tháng 4-2021, quán cafe nhỏ mở bán, mọi khâu pha chế, phục vụ hay truyền thông Cường đều trực tiếp thực hiện.

“Trước đây khi chưa có dịch thì anh cũng đã gặp một chút khó khăn vì khách hàng tới quán không đều và hay bị dồn vào một thời điểm, ví dụ như buổi tối hoặc là cuối tuần. Mà anh lại chỉ có một mình, nên không thể kiểm soát hết được. Chưa kịp ổn định và giải quyết xong vấn đề trên thì dịch lại đột ngột tới” (Cười)

Nói chuyện với chúng tôi, anh Cường cho hay, ở thời điểm hiện tại, may mắn là lượng khách đến order đồ đem về không bị dồn như trước nữa, anh bạn tự tin có thể đem đến những ly cafe ngon và chất lượng nhất cho khách hàng. Nhưng cũng có những ngày chỉ bán được 1-2 cốc, thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề.

Thêm vào đó, trải nghiệm của khách hàng khi dùng "take away" cũng có thể vượt tầm kiểm soát của một số chủ quán. Họ chưa kịp chuẩn bị phương án bán "take away" với một số món đồ trong menu, cũng chưa dành thời gian tìm hiểu về các loại cốc đựng, ống hút cho phù hợp và an toàn với môi trường.

P.N.P.L (21 tuổi) khách hàng tại một quán cafe mới mở ở Hà Đông chia sẻ: “Mua đem về đến nhà đá tan hết sạch nên uống cũng bị nhạt. Với lại dùng như thế này nhiều cũng không hay, nên mình chỉ mong hết dịch để được thưởng thức tận nơi”.

Với quan điểm bán cafe đính kèm niềm vui, việc hạn chế tiếp xúc và trò chuyện, tâm sự với khách hàng cũng khiến nhiều chủ quán cảm thấy khó khăn.

Nói về phản ứng của khách hàng trước quyết định bán "take away" của quán, anh Cường cho hay: “Có nhiều khách thông cảm và chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống dịch Covid-19, mua đồ uống mang đi, nhưng cũng có một số người muốn ở lại để vì quen khung cảnh xung quanh. Anh đành nói với họ, nếu muốn ngồi phía trước cửa quán và tuân thủ quy định giãn cách. Họ có chút không vừa ý đấy, nhưng cũng đành chịu vì an toàn phòng dịch là trên hết”.

Muốn sống chung với Covid-19, còn phải cố gắng hơn...

Không còn nghi ngại về tiềm năng của việc bán mang về trong mùa dịch bởi vẫn đang có rất nhiều địa điểm phục vụ ăn, uống kinh doanh tốt và phát triển. Tuy nhiên đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các hàng quán mới mở, kinh doanh nhỏ lẻ bởi lượng khách biết đến họ chưa nhiều, chủ yếu là khách quen, bạn bè và gặp nhiều hạn chế khi đăng ký hợp tác với bên thứ 3.

Với những quán cafe mới, nhiều trường hợp phải đóng cửa, còn lại đã cố gắng tìm giải pháp để tồn tại qua mùa dịch lần này.

“Vì phần nhiều khách của quán đều là khách quen, mình đã nghĩ tới phương án thay cốc nhựa bằng những chai thủy tinh có thể sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó cải thiện menu và đồ uống sao cho khi đến tay người dùng vẫn giữ chất lượng nhất có thể” – anh Cường cho hay.

Nhiều chủ quán giãi bày rằng họ đã phải trao đổi với chủ nhà, người cho thuê mặt bằng để cân đối chi phí cho thuê, giảm thiểu áp lực về kinh tế nhất có thể. Dịch bệnh đến khiến ai cũng khó khăn, nhưng để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - chống dịch và phát triển kinh tế, sự vui vẻ tạo điều kiện của chủ cho thuê luôn là thành quả mà họ nhận được.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh, hàng quán bán "take away" trong mùa dịch cũng phải đảm bảo biện pháp chống dịch an toàn cho người mua lẫn người bán, bên cạnh yêu cầu tất yếu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước mắt, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nặng nề, quyết định tạm đóng cửa nhà hàng, quán ăn, quán giải khát vẫn còn hiệu lực, nhiều chủ quán lựa chọn biến thời gian này làm phép thử cho chính bản thân, làm bước đà cho quán cafe của mình. Chịu khó nghiên cứu, mày mò, tìm giải pháp để “đứa con tinh thần” không chỉ sống sót trong mùa dịch mà còn phát triển hoàn thiện hơn nữa khi dịch bệnh qua đi.