Tái diễn việc giả mạo giáo viên thu tiền phụ huynh: Làm sao để tránh sập bẫy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đối tượng giả mạo đã sử dụng tài khoản Zalo lấy tên cô giáo chủ nhiệm, trực tiếp nhắn tin cho phụ huynh yêu cầu chuyển các khoản tiền như bảo hiểm y tế, quỹ phụ huynh…vào tài khoản  cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, BHXH tỉnh Lai Châu nhận được phản ánh từ phụ huynh học sinh thuộc một trường tiểu học ở huyện Tân Uyên về việc có đối tượng giả mạo là cô giáo chủ nhiệm lớp nhắn tin yêu cầu phụ huynh học sinh của lớp chuyển tiền mua thẻ BHYT học sinh năm học 2023-2024 qua số tài khoản cá nhân.

Đối tượng giả mạo đã sử dụng tài khoản Zalo lập tên giáo viên chủ nhiệm để nhắn tin riêng cho phụ huynh học sinh yêu cầu chuyển cho đối tượng tiền bảo hiểm y tế là 794.000 đồng.

Sau khi nhận được phản ánh, BHXH tỉnh Lai Châu đã phối hợp với ban, ngành liên quan xác minh sự việc; ban hành thông báo về việc cảnh báo tình trạng giả mạo cô giáo chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh chuyển nộp tiền thu BHYT học sinh qua tài khoản cá nhân.

Đối tượng giả mạo giáo viên nhắn tin yêu cầu phụ huynh chuyển tiền bảo hiểm y tế

Đối tượng giả mạo giáo viên nhắn tin yêu cầu phụ huynh chuyển tiền bảo hiểm y tế

Tương tự, cách đây không lâu tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đối tượng Trần Thành Hiếu, sinh năm 2004, trú tại Khu dân cư Bích Nhôi, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn đã giả mạo tài khoản zalo của một giáo viên chủ nhiệm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ huynh học sinh.

Tại cơ quan công an, Hiếu khai nhận đã đăng nhập vào nhóm chat zalo do một giáo viên trường tiểu học tại thị xã Kinh Môn lập ra nhằm trao đổi thông tin giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh.

Sau đó, đối tượng lập tài khoản zalo dùng ảnh đại diện, thông tin cá nhân của cô giáo rồi kết bạn với các thành viên trong nhóm, nhắn tin riêng cho các phụ huynh học sinh, đề nghị chuyển tiền học đầu năm vào tài khoản ngân hàng do Hiếu lập ra nhằm chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân. Đến thời điểm bị phát hiện đã có 6 phụ huynh chuyển cho Hiếu tổng số tiền là 25,8 triệu đồng.

Về hiện tượng trên, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước nhu cầu sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để liên lạc, trao đổi thông tin trong các nhà trường, giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh ngày càng cao, nắm bắt được tâm lý của phụ huynh là luôn quan tâm và tin tưởng về mọi thông tin mà giáo viên chủ nhiệm của con em mình thông báo nên nhiều đối tượng đã hack tài khoản, giả mạo người khác để lừa thu tiền phụ huynh diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là vào thời điểm đầu năm học, đầu các kỳ học.

Theo quy định hiện hành, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Để hạn chế rủi ro không đáng có, mỗi cá nhân cần thực hiện tốt việc bảo mật thông tin cá nhân khi nhận được các thông tin, yêu cầu chuyển tiền từ người khác cần phải gọi điện trực tiếp để xác minh trước.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần cập nhật chính xác số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm của lớp và số tài khoản nhận các khoản tiền đóng góp của nhà trường nơi học sinh theo học. Khi chuyển khoản cần kiểm tra tài khoản của đơn vị thụ hưởng, tránh nộp tiền vào tài khoản cá nhân có tên lạ.

Trường hợp nhận được tin nhắn nghi ngờ có hành vi giả mạo cần thông báo ngay cho Ban Giám hiệu nhà trường hoặc cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo, xử lý nghiêm theo quy định.