Tai biến sản khoa xảy ra dồn dập

ANTĐ - Ngày 1-7, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ này vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh/thành đề nghị chỉ đạo các cơ sở y tế về công tác dự phòng tai biến sản khoa, giảm tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh. Đây là văn bản mới nhất sau hàng loạt văn bản cũng như các giải pháp đã được Bộ Y tế triển khai, nhưng tai biến vẫn cứ xảy ra dồn dập.

Nâng cao chất lượng chuyên môn, trang bị phương tiện hiện đại sẽ giúp giảm tai biến sản khoa

(Trong ảnh: Một ca “mẹ tròn con vuông” tại bệnh viện Phụ sản Trung ương)


Kiểm điểm vụ tử vong tại BV Phụ sản Hà Nội

Như ANTĐ đã đưa tin, cuối tuần qua anh Nguyễn Nam Hải (ở Từ Liêm, Hà Nội) đã có đơn kiến nghị Ban Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của vợ anh là sản phụ Trần Thị Minh Phượng, 32 tuổi. Vợ anh Hải vốn là người khỏe mạnh, mang thai đôi và định kỳ khám, theo dõi thai sản tại BV Phụ sản Hà Nội với kết luận sức khỏe bình thường. Ngày 11-6 vừa qua, chị Phượng vào BV Phụ sản Hà Nội và đã sinh đôi 2 bé gái vào lúc 7h30 bằng phương pháp sinh mổ. Sau khi sinh bác sĩ thông báo sức khỏe sản phụ bình thường và dự kiến sẽ chuyển xuống phòng điều trị sau mổ vào chiều cùng ngày. Tuy nhiên, khoảng 11 giờ, gia đình được bác sĩ thông báo sức khỏe chị Phượng có diễn biến xấu vì mất máu nhiều và sau đó rơi vào hôn mê. Sản phụ được chuyển sang BV Bạch Mai cấp cứu nhưng đến chiều 20-6 thì tử vong trong tình trạng hôn mê sâu, suy đa tạng…

Trao đổi với báo chí về vụ việc này, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi có thông tin, đoàn công tác của Sở Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo BV Phụ sản Hà Nội để tìm hiểu và giải quyết. Tại buổi làm việc này, Đoàn công tác của Sở Y tế đã yêu cầu BV Phụ sản Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm chuyên môn của kíp phẫu thuật và cấp cứu cho sản phụ Trần Thị Minh Phượng, tìm ra những thiếu sót để rút kinh nghiệm, đồng thời rà soát và bổ sung các quy trình, quy định về chuyên môn trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt, phải bố trí các kíp chuyên môn hợp lý, phân công bác sĩ có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cho các bác sĩ mới để xử trí kịp thời những trường hợp bất thường, hạn chế các sai sót trong chuyên môn. 

Được biết, trong báo cáo về tai biến sản khoa của Bộ Y tế, hầu hết các vụ tai biến sản khoa xảy ra từ tháng 4-2012 đến nay - thời điểm được coi là “đen tối” của ngành Sản khoa Việt Nam - đều xảy ra tại BV tuyến huyện và cơ sở y tế tuyến dưới. Tuy vậy, điểm lại các vụ tai biến sản khoa xảy ra trong thời gian này có cả những vụ tai biến diễn ra ở BV Trung ương, ở BV công của các thành phố lớn. Vụ tử vong bà mẹ tại BV Phụ sản Hà Nội đã là vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng thứ 2 tại cơ sở y tế công lập của Thủ đô, sau vụ tử vong trẻ sơ sinh tại BV Vân Đình cách đây chưa lâu.

Không cho đỡ đẻ tại cơ sở y tế yếu kém

Trong công văn mới nhất nhằm hạn chế tai biến sản khoa, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành rà soát, chấn chỉnh hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt chú trọng công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật về thực hành cấp cứu sản khoa, cấp cứu sơ sinh, tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các tuyến, giúp phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đúng kỹ thuật để cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn về việc thực hiện quy chế chuyên môn, cấp cứu sản khoa… Đặc biệt, qua rà soát, những cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết cần được củng cố kịp thời hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ.

Ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế cho biết, thực tế là trình độ bác sĩ sản khoa ở tuyến dưới còn nhiều hạn chế do ít có cơ hội được tập huấn, cập nhật thông tin nâng cao trình độ cũng như điều kiện tiếp cận với nhiều mặt bệnh để rút kinh nghiệm cũng ít hơn. Ở nhiều nơi, còn thiếu người, thiếu cả trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là máy móc thiết bị phục vụ việc giải quyết những trường hợp khó như monitoring sản khoa, máy siêu âm, dụng cụ gây mê, máy thở, bộ dụng cụ mổ lấy thai... Để khắc phục tình trạng này, tới đây Bộ Y tế sẽ chỉ đạo BV Phụ sản Trung ương, BV Từ Dũ và các BV đầu ngành về sản phụ khoa đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến. Bộ cũng giao hai BV này tổ chức ngay các lớp tập huấn đào tạo lại cho cán bộ y tế tuyến dưới, tập trung vào các nội dung về theo dõi cuộc đẻ và cấp cứu, hồi sức sản khoa.

Cũng theo ông Khê, về lâu dài, để giảm tai biến sản khoa cần triển khai đồng bộ các giải pháp như củng cố, kiện toàn mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản từ Trung ương đến cơ sở, nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí đủ cán bộ cho các khoa sản, nhi, đảm bảo trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu hồi sức sản khoa và sơ sinh.