Tách biệt dịch vụ công với “xã hội hóa”

ANTĐ - Trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, nếu không có chủ trương xã hội hóa y tế thông qua góp vốn, liên doanh, liên kết mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, thì trình độ kỹ thuật và chuyên môn y tế của các bệnh viện chắc chắn khó đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tuy vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, nhiều tiêu cực trong xã hội hóa y tế như liên kết, liên doanh trang thiết bị chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao, cho thấy sự yếu kém, thiếu minh bạch trong quản lý, thanh tra, kiểm tra…

Phải thừa nhận rằng, xã hội hóa y tế đã đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, phát hiện sớm, chính xác bệnh, phát triển kỹ thuật điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Theo báo cáo tổng hợp của 31 cơ sở y tế các tỉnh và 16 bệnh viện thuộc Bộ Y tế đến tháng 9-2014, hoạt động xã hội hóa nở rộ với 883 đề án liên kết, liên doanh với tổng số vốn 2.798 tỷ đồng. Trong đó, thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa được sử dụng trong 90% dịch vụ của khoa sinh hóa, 70% của khoa chẩn đoán hình ảnh, 90% của khoa y học hạt nhân và 100% của khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu... 

Song, mặt trái của xã hội hóa đồng thời bộc lộ nhiều bất cập và tiêu cực. Tại các bệnh viện công, hiện tượng trà trộn, nhập nhèm giữa dịch vụ y tế thông thường và dịch vụ “giá cao” gây ra những bức xúc trong dư luận nhân dân. Thực tế thời gian qua, tình trạng lạm dụng tài sản công, lạm dụng thương hiệu bệnh viện, sai phạm quản lý tài sản, tài chính, đã xảy ra; thậm chí là nhập trang thiết bị không rõ nguồn gốc, chất lượng yếu kém tại một số bệnh viện, cơ sở y tế. 

Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhận xét, nhiều tiêu cực trong liên kết, liên doanh mua sắm trang thiết bị y tế lạc hậu, cơ sở vật chất để thực hiện xã hội hóa còn hạn hẹp. Hoạt động xã hội hóa cũng bị núp bóng để đầu tư tập trung vào các khoa, phòng có thu nhập hoặc rót kinh phí cùng nhân lực giỏi để vận hành khu vực dịch vụ theo yêu cầu. 

Để hạn chế tiêu cực xã hội hóa tại các bệnh viện công, ý kiến các chuyên gia cũng như ý kiến của Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, trước hết cần tách biệt các dịch vụ công với dịch vụ xã hội hóa y tế ở các khu vực riêng biệt, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng trang thiết bị cũng như đội ngũ cán bộ y tế, thành lập hội đồng quản lý tại các bệnh viện có liên kết, liên doanh. Đã đến lúc, xã hội hóa y tế còn cần tính đến việc đẩy mạnh thông qua hình thức cổ phần hóa một số bệnh viện công hoạt động kém hiệu quả, chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước. Bởi nếu không có giải pháp hữu hiệu và triệt để thì xã hội hóa dễ trở thành “con dao hai lưỡi”.