Tắc ruột cấp tính vì khối bã thức ăn

ANTD.VN - Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng, các bác sỹ đã nội soi dạ dày và bất ngờ phát hiện 4 khối bã thức ăn to như quả trứng. Bệnh nhân cũng không thể ngờ được rằng suýt bị tắc ruột chỉ vì ăn 3 quả hồng ngâm trong lúc đói.

Đó là trường hợp một bệnh nhân nữ 45 tuổi, ở Phú Thọ được các bác sỹ Bệnh viện E can thiệp thành công hôm 30-11. Bệnh nhân S. cho biết, trước đó vài ngày, bà có ăn 3 quả hồng ngâm loại to vào lúc đói.

Sau khi ăn vài giờ, bà S bị đau bụng, nôn, bụng cứng lên, không ăn uống được gì. Qua khám bệnh, các bác sỹ chẩn đoán là tắc ruột do 4 khối bã thức ăn, chỉ định can thiệp nội soi gắp thức ăn ra. 

Trước đây, cũng đã có trường hợp một nữ sinh viên được xử trí tắc ruột do một khối bã thức ăn kết dính lại sau khi ăn quá nhiều măng khô. Trên thực tế, bã một số thức ăn có thể gây tắc ruột do ăn nhiều loại thức ăn có nhiều chất xơ như: măng, mít, cam, quýt... hay quả có nhiều chất tanin như: hồng giòn, hồng xiêm, sung, vả...

Những loại thức ăn này thường kết dính lại thành cục ở trong lòng ruột không tiêu hóa được nên gây tắc ruột, tức là ruột bị liệt, ngăn cản sự lưu thông các chất trong lòng ruột. Ở trẻ em, do ăn nhiều quả sim, quả ổi... cũng có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột.

Ngoài ra, tắc ruột cũng hay gặp ở người cao tuổi bị mất răng nên giảm sức nhai, người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày hoặc người mắc bệnh viêm tụy tạng mạn tính... làm khả năng tiêu hóa hoàn toàn thức ăn bị giảm sút.

Lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Để chẩn đoán xác định các trường hợp tắc ruột cơ học, trong đó có tắc ruột do bã thức ăn, có thể dựa vào những triệu chứng như: đau bụng từng cơn, nôn, bí trung đại tiện, trướng bụng; đặc biệt khi kích thích thành bụng thấy nổi vành quai ruột, có hiện tượng rắn bò.

Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải xử trí can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để lấy khối bã thức ăn ra mới khỏi được, vì vậy cần thận trọng trong việc ăn uống.

Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần chọn các loại thức ăn dễ tiêu hóa; không nên dùng thức ăn có nhiều chất xơ, chất tanin của những thực phẩm hoa quả đã được nêu trên với số lượng quá nhiều.

Lưu ý người cao tuổi cần thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ... Tất cả mọi người khi có triệu chứng đau bụng và nôn cần đến ngay cơ sở y tế để khám ngay, đề phòng biến chứng do tắc ruột.