Tác động “cộng hưởng”

(ANTĐ) - Nhìn toàn cảnh nền kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo rằng, năm 2011 có hai thách thức lớn nhất là tỷ giá và lạm phát. Nếu ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu ưu tiên, thì kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1. Ngoài những yếu tố tiềm ẩn, sâu xa như hiệu quả đầu tư, năng suất lao động thấp, thì những yếu tố trực tiếp cũng có tác động “cộng hưởng” tới lạm phát.

Tác động “cộng hưởng”

(ANTĐ) - Nhìn toàn cảnh nền kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo rằng, năm 2011 có hai thách thức lớn nhất là tỷ giá và lạm phát. Nếu ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu ưu tiên, thì kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1. Ngoài những yếu tố tiềm ẩn, sâu xa như hiệu quả đầu tư, năng suất lao động thấp, thì những yếu tố trực tiếp cũng có tác động “cộng hưởng” tới lạm phát.

Tại cuộc họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa qua, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, áp lực lạm phát năm nay cao hơn năm ngoái, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô nhìn chung có dấu hiệu ổn định hơn. Vừa qua, nhiều địa phương bỏ nguồn tiền lớn để “bình ổn giá” nhưng chính việc này lại làm “méo mó” thị trường giá cả, tiềm ẩn yếu tố gây lạm phát.

Một sự “cộng hưởng” quan trọng hiện nay là yếu tố “nhập khẩu” lạm phát của thế giới. Mặc dù cuộc khủng hoảng thế giới đã lùi dần, song nhu cầu đầu tư tiêu dùng chưa thể hồi phục hoàn toàn. Giá hàng hóa thế giới tính bằng USD đã tăng trong năm ngoái, năm nay sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là giá dầu thô, sắt thép, lương thực-thực phẩm… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, việc điều chỉnh là kịp thời, bởi nếu không, kỳ vọng vào tỷ giá nhiều quá sẽ gây những ảnh hưởng tâm lý.

Theo ông, trong thời gian tới, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản như điện, than, xăng dầu… có thể tác động không lớn lắm đến chỉ số giá tiêu dùng, song sẽ tác động rất đáng kể đến tâm lý thị trường. Do đó, cần phải có những biện pháp để kiểm soát được tâm lý gây “cộng hưởng” lạm phát, tức là “lạm phát tâm lý”.

Một ủy viên Ủy ban Kinh tế nhận định, trong quý II tới, một mặt bằng giá mới có khả năng được hình thành khi giá điện, than, xăng dầu được điều chỉnh. Giá cả những mặt hàng sẽ “đánh” thẳng vào chi phí, giá thành của doanh nghiệp. Cũng tại cuộc họp nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trần tình rất rõ về việc vì sao đến sau Tết Nguyên đán mới điều chỉnh tỷ giá.

Theo ông Thống đốc, từ tháng 10 năm ngoái, khi xuất hiện dấu hiệu mất cân đối, gây căng thẳng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị điều chỉnh tỷ giá vào tháng 11. Tuy nhiên, các bộ trưởng tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ đã không ủng hộ đề nghị đó với lý do có thể gây lạm phát. Hiện nay, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ tăng trên 7% chứ không phải trên 9% như báo chí nêu. Ông cũng cho biết thêm, do điều chỉnh tỷ giá chậm nên đã phải dùng nguồn lực lớn để can thiệp thị trường.

Thống đốc Ngân hàng nhấn mạnh: “Bài toán tỷ giá vẫn còn khó giải nếu như còn nhập siêu. Nhưng vấn đề sâu xa hơn như tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa được bàn sâu, bàn kỹ để giải quyết tận gốc”. Để vượt qua thách thức lớn của năm 2011, ý kiến của Thống đốc Ngân hàng cũng trùng lặp với ý kiến của các chuyên gia là phải giảm đầu tư, có biện pháp cụ thể nhằm giảm tổng cầu như từng bộ, ngành, địa phương cần lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu, đầu tư.

Điều lạ lùng là, ngay trong dịp Tết Tân Mão vừa qua, mặc dù giá cả hàng hóa tăng cao, song tốc độ chi tiêu của người dân không giảm, thậm chí vẫn rất cao. Trái ngược hẳn với xu hướng tiêu dùng thông thường ở các nước khác là khi kinh tế khó khăn, đa số người dân sẽ tiết kiệm, giảm chi tiêu. Giờ đây khi hình thành mặt bằng giá mới tác động “lạm phát tâm lý” chắc chắn sẽ gây cộng hưởng không nhỏ.

Các chuyên gia kinh tế trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều nhất trí rằng, phải bắt tay ngay vào tái cơ cấu, giảm đầu tư công và khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế. Đặc biệt lưu ý là, nếu xử lý vấn đề nhập siêu nhanh và mạnh hơn nữa; chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhịp nhàng, thì sẽ triệt tiêu và loại trừ được những tác động “cộng hưởng” tới lạm phát cao.

Đan Thanh