Sức nặng phiếu tín nhiệm

ANTĐ - Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong báo cáo tổng hợp hơn 1.700 ý kiến cử tri, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề lớn thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, dân chủ, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, của đại biểu Quốc hội. Nhưng việc này đụng chạm đến vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm nên phải hết sức thận trọng. Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm phải chỉ đạo chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính chính xác, tránh tình trạng có khi người tốt thì tỷ lệ tín nhiệm thấp, người cơ hội lại được phiếu cao. Ngoài ra, công việc quan trọng này cũng đòi hỏi trách nhiệm, bản lĩnh, trình độ của đại biểu Quốc hội.

Tổng Bí thư đặt câu hỏi: Đại biểu có thật sự trong sáng, công tâm và khách quan hay không? Có bị chi phối bởi yếu tố nào trong quá trình bỏ phiếu hay không? Ông chỉ rõ, cử tri và nhân dân gửi gắm ở người đại biểu nhân dân thì người đại biểu phải thể hiện cho được ý kiến của mình một cách chính xác trên cơ sở có đủ thông tin, bảo đảm tính đúng đắn, tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố và Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội phải thật công tâm trong đánh giá tín nhiệm, phải lắng nghe, chắt lọc ý kiến của nhân dân để bỏ phiếu cho đúng. Không ít Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng như một số đại biểu đều đồng tình cho rằng, trong bối cảnh đất nước khó khăn, nhiều vấn đề bức xúc, “nóng bỏng” như hiện nay thì kết quả bỏ phiếu ra sao có ý nghĩa rất lớn. Giả sử việc bỏ phiếu không được thực chất, kết quả “tròn vo” thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri đối với uy tín của Quốc hội.

Mặc dù thừa nhận việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ ít nhiều gây áp lực đối với các đại biểu Quốc hội, song nhiều ý kiến bày tỏ tin tưởng, với trí tuệ, trách nhiệm, sự công tâm của 500 đại biểu, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác dụng rất lớn. Ai không đạt 2/3 phiếu tín nhiệm sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm và mở lối cho văn hóa từ chức. Rõ ràng lá phiếu tín nhiệm sẽ có sức nặng rất lớn, tạo ra những chuyển động tích cực và có sức lan tỏa sâu rộng.