Sức mạnh tín dụng nhỏ

ANTĐ - Tại Hội nghị cấp cao thế giới lần thứ 5 về tín dụng nhỏ ở Tây Ban Nha, các chuyên gia kinh tế LHQ và quốc tế đều khẳng định tín dụng nhỏ ngày càng trở thành công cụ hiệu quả cao trong cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.
 

Ông M.Yunus đang đối thoại với những người nông dân nghèo cần vay vốn

Khởi đầu cách nay gần 40 năm, “tiểu tín dụng” đã trở thành mô hình nổi tiếng khắp toàn cầu. Qua sự tiếp xúc với thành phần dân chúng nghèo khổ, giáo sư kinh tế người Bangladesh M. Yunus nhận ra rằng chỉ một món tiền cho vay rất nhỏ cũng có thể giúp thay đổi đời sống của một người bần cùng. Với tư cách cá nhân, ông đã cho 42 phụ nữ tại một ngôi làng nghèo vay 27 USD để tự lực cánh sinh và đó chính là sự khởi đầu của mô hình “tiểu tín dụng”.

Năm 1976, ông M.Yunus lập ra Ngân hàng Grameen Bank, cho phép nông dân nghèo lần đầu tiên có cơ hội vay tiền làm ăn. Từ Bangladesh, mô hình tín dụng nhỏ của M. Yunus đã lan ra khắp toàn cầu, trở thành kiểu mẫu cho nhiều nước trên thế giới với những kết quả không ngờ. Tại Ấn Độ, 47 đến 52% các hộ gia đình nghèo ở thành phố đã trở thành “doanh nhân” từ mô hình vi tín dụng, góp phần đẩy lùi nạn nghèo khó tại nước đông dân thứ nhì thế giới. Hiện có đến 80 triệu dân Ấn Độ tham gia mô hình vi tín dụng, với tổng dư nợ lên đến 6,7 tỷ USD.

Trên quy mô toàn cầu, nếu như năm 1997 chỉ có khoảng 7,6 triệu gia đình được sự giúp đỡ của các quỹ “tiểu tín dụng”, thì đến nay, con số đó đã lên tới hơn 150 triệu người. Hiện trên toàn cầu có 3200 ngân hàng tín dụng theo kiểu mẫu Grameen Bank và có đến gần 73% những gia đình mượn nợ này ở trong hoàn cảnh cực kỳ nghèo khó khi họ lần đầu tiên nhận được tiền cho vay. 

Điều đáng nói là hình thức tài chính này không chỉ tồn tại ở các nước nghèo mà có ở cả những quốc gia phát triển. Chẳng hạn tại Pháp năm 2008, vào lúc số người bị mất việc không ngừng gia tăng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì các hoạt động kinh tế được cấp vốn dưới hình thức này đã tạo ra 48 nghìn chỗ làm. Năm 1989, Hiệp hội Adie ở Pháp đã cấp những khoản vi tín dụng đầu tiên cho một số tư nhân muốn làm ăn buôn bán, nhưng không vay được vốn của ngân hàng. Từ đó đến nay tổ chức này đã cấp vốn cho 97 nghìn dự án, và chỉ riêng năm ngoái đã có hơn 12 nghìn hồ sơ được giải quyết.

Nhìn về tương lai, LHQ cho rằng hệ thống “tiểu tín dụng” sẽ hướng tới mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính xóa đói giảm nghèo cho 175 triệu hộ gia đình nghèo nhất thế giới, đặc biệt là thông qua phụ nữ, đồng thời nâng cao thu nhập của 100 triệu hộ gia đình trong diện này lên trên mức thu nhập cùng khổ 1 USD/ngày từ năm 1990 đến 2015. Các nghiên cứu mới nhất của LHQ và các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh tín dụng nhỏ luôn có tác động tích cực khi được gắn với các chính sách công thúc đẩy cố kết xã hội và giảm đói nghèo, như tiếp cận giáo dục, y tế và các cơ sở hạ tầng, tạo ra các cơ hội việc làm.

Đối với cá nhân ông M. Yunus, mô hình tín dụng nhỏ đã đem lại cho ông Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2006. Còn đối với người nghèo trên toàn cầu, đó là giải phóng để họ tự mình thoát khỏi cảnh bần cùng.