Sức mạnh lòng dân và khát vọng hùng cường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khát vọng vươn lên, vì một đất nước hùng cường là nguyện vọng của gần 100 triệu người con đất Việt, là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta. Để hiện thực hóa khát vọng đó, chúng ta phải khơi dậy sức mạnh lòng dân.
Sức mạnh lòng dân sẽ giúp Việt Nam thực hiện khát vọng hùng cường

Sức mạnh lòng dân sẽ giúp Việt Nam thực hiện khát vọng hùng cường

Phải nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức

Trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về các văn kiện trình Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Việt Nam đang ở thời điểm mà để bắt kịp, tiến cùng các quốc gia khác trong tiến trình phát triển, chúng ta phải nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không sẽ không thể vượt lên trong cuộc đua toàn cầu. Một quốc gia với dân số gần 100 triệu người, trong đó ¾ dưới tuổi 35, có vị trí địa chiến lược quan trọng như Việt Nam, thì không gian và tiềm năng là rất to lớn. Vấn đề còn lại là phải có khát vọng vượt lên để hiện thực hóa mục tiêu phát triển.

Tuy nhiên, dù hiện nay thế và lực của nước ta đã mạnh hơn trước nhưng nội tại còn tiềm ẩn nhiều vấn đề như năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, khả năng làm chủ công nghệ hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Các vấn đề xã hội, môi trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn hiện hữu.

Trong khi đó ở bên ngoài, thế giới đang diễn ra cuộc chuyển giao sang trật tự mới với cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, tạo ra các hệ lụy nhiều chiều đối với nước ta. Chính trị đối ngoại cường quyền, chủ nghĩa đơn phương đang nổi trội ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của suy thoái, trong khi xu thế toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc tế vấp phải những cản trở nhất định. Đáng chú ý, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân loại.

Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen như vậy, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đã cụ thể hóa khát vọng phát triển đất nước với 3 mục tiêu, tầm nhìn. Đó là phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Một quốc gia muốn được coi là phát triển thì thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000 USD/năm. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 3.000 USD/năm, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm, liên tiếp trong 25 năm tới mới có thể đạt mốc 20.000 USD. Nhìn lại các giai đoạn trước, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp và đạt được mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, từ mức bình quân 7,34%/năm giai đoạn 1991-2000 xuống còn 6,82%/năm giai đoạn 2001-2010, và khoảng 5,9% giai đoạn 2011-2020.

Để có thể biến mục tiêu nêu trên thành hiện thực, để đến năm 2045 (đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, chúng ta phải duy trì mức tăng trưởng GDP ở mức trên 7% liên tục trong 2 thập kỷ tới, như đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB).

“Lấy dân làm gốc” để khơi dậy sức mạnh lòng dân

Đây là thử thách mà để vượt qua, chúng ta không có cách nào khác là phải khơi dậy sức mạnh lòng dân. Lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy nếu khơi dậy được khát vọng, sức mạnh tiềm tàng của cả dân tộc thì nó sẽ trở thành một lực lượng có sức mạnh vô địch. Nếu toàn dân tộc cùng thống nhất một ý chí, một khát vọng vươn lên thì không có thử thách nào chúng ta không vượt qua.

Muốn khơi dậy được sức mạnh lòng dân thì điều cốt lõi là phải “Lấy dân làm gốc”. Trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về các văn kiện trình Đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đi vào cụ thể, quan điểm “lấy dân làm gốc” thể hiện ở những việc, như thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Một vấn đề quan trọng nữa là muốn có lòng dân thì phải xây dựng niềm tin. Niềm tin là yếu tố tinh thần nhưng khi đã đi vào lòng dân thì trở thành sức mạnh vật chất to lớn giúp đánh thắng được những kẻ thù mạnh hơn nhiều, làm được những điều tưởng chừng như không thể. Muốn thế, phải coi nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

Thực tế cho thấy niềm tin của người dân đối với Đảng đã được nâng lên rất nhiều nhờ quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua. Không phủ nhận có một thời gian lòng dân chùng xuống khi có những người nắm giữ vị trí, trọng trách trong Đảng, trong bộ máy chính quyền đã vi phạm các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng khi Đảng phát động cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo vệ công lý thì lòng dân, niềm tin của người dân đối với Đảng lớn thêm nhiều.

Khi đã khơi dậy được sức mạnh lòng dân, chúng ta có thể thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường. Xưa, cả nước đồng lòng đánh giặc với phương châm “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Nhờ vậy mà chúng ta có chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Nay, nếu cả nước đồng lòng phát triển kinh tế, ai có vốn góp vốn, ai có năng lực quản trị thì khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh, chắc chắn chúng ta sẽ có một “Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế”.