Sữa ngoại tăng giá, cơ hội cho sữa nội?

(ANTĐ) - Từ đầu tháng 9-2010, một số mặt hàng sữa bột nhập ngoại tiếp tục tăng giá bán. Không chung xu thế tăng giá bán này, liệu sữa nội có tận dụng được cơ hội để chiếm lĩnh thị trường?

Sữa ngoại tăng giá, cơ hội cho sữa nội?

(ANTĐ) - Từ đầu tháng 9-2010, một số mặt hàng sữa bột nhập ngoại tiếp tục tăng giá bán. Không chung xu thế tăng giá bán này, liệu sữa nội có tận dụng được cơ hội để chiếm lĩnh thị trường?

Sữa ngoại tăng giá bán, sữa nội cần tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị trường (ảnh minh họa)
Sữa ngoại tăng giá bán, sữa nội cần tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị trường (ảnh minh họa)

Giá sữa ngoại vẫn khó kiểm soát

Từ ngày 1-9, hai loại sữa bột nhập khẩu là Abbott và Anmum tiếp tục tăng giá thêm khoảng 10%. Việc điều chỉnh giá bán này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về làn sóng tăng giá sữa mới. Trước đó, vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các hãng sữa ngoại đã tăng giá bán thêm gần 7% so với mức giá được điều chỉnh tăng hồi tháng 3 năm nay. Cụ thể, các nhãn hàng sữa của Abbott (Hoa Kỳ) tăng từ 0,65-0,66% trong thời điểm này. Sữa Dream XO của Hàn Quốc cũng tăng trung bình 5% đối với mỗi loại sản phẩm.

Với lần tăng giá sữa đầu tháng 9 này, các nhà phân phối sữa nhập khẩu vẫn vin vào lý do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VND/USD thêm 2% và giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, giá nguyên liệu trên thế giới thời gian qua không hề biến động tăng. Cùng nhận định này, Bộ Công Thương cho biết: “Thị trường sữa có dấu hiệu đang bị thao túng”. Lý giải cho điều này, Bộ Công Thương đã khảo sát giá bán sữa tại các đại lý và thấy, lần tăng giá sữa đồng loạt đầu năm 2010 và vào tháng 8-2010 đều không tương đồng với giá thế giới. Các hãng sữa cũng tăng giá đồng loạt cho thấy dấu hiệu liên kết của một số nhà nhập khẩu.

Kỳ vọng về việc quản lý thị trường sữa Việt Nam đang được đặt vào Thông tư 22 của Bộ Tài chính, ban hành ngày 12-8 vừa qua. Khi Thông tư này có hiệu lực (ngày 1-10-2010), các doanh nghiệp phải đăng ký giá bán trước khi điều chỉnh và Bộ Tài chính sẽ có can thiệp khi thấy việc tăng giá là bất hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại, Thông tư 22 còn lỗ hổng để doanh nghiệp lách khi căn cứ để xác định tăng giá có “bất hợp lý” hay không là chi phí và cơ cấu giá thành sữa nhập ngoại thì cơ quan chức năng dường như chưa xác định được!

Cơ hội cho sữa nội?

Trong khi giá sữa ngoại tăng đã 4 - 5 lần kể từ đầu năm đến nay thì sữa nội mới tăng đồng loạt một lần trong quý I năm nay. Trong quý II giá chỉ dao động nhẹ, phân tán và không đáng kể. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp sữa nội cũng chưa có thông báo tăng giá bán. Thậm chí, một số mặt hàng còn có dấu hiệu giảm nhẹ giá bán (Vinamilk) nhằm phát triển kinh doanh.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp sữa nội đang nỗ lực phát triển sản phẩm và mạng lưới kinh doanh. Ví dụ như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có 135.000 điểm bán hàng trên cả nước, tốc độ phát triển 2009 tăng 90% so với 2008. Mục tiêu đặt ra của Vinamilk trong 2 năm tới là chiếm lĩnh 35% thị phần sữa trong nước. Nutifood, Ba Vì, Hanoimilk, IDP… cũng đa dạng hóa sản phẩm và thiết lập các kênh phân phối trên toàn quốc. Tuy nhiên, với thị phần chiếm 22%, nguồn cung phụ thuộc vào nhập khẩu đến 78%, các thương hiệu sữa nội vẫn rất yếu thế trên “sân nhà”.

Trong thời điểm cạnh tranh chiếm thị phần này, sữa ngoại tăng giá là bất lợi đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, có chuyên gia kinh tế đã cho rằng, khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa của sữa “made in Việt Nam” không dễ. Bởi vì, trong một cuộc khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ  người tiêu dùng Việt Nam, chất lượng sữa nội vẫn chưa đảm bảo và tình trạng vi phạm quy định về công bố thông tin trên nhãn mác vẫn xảy ra: 10/20 mẫu sữa bột nội bày bán trên thị trường (50%) không đạt tỉ lệ đạm như công bố trên nhãn hàng, 6/20 mẫu (30%) có tỉ lệ đạm rất thấp - dưới 10%; 4/20 mẫu (20%) tỉ lệ đạm rất thấp dưới 2% (tỉ lệ công bố trên nhãn hàng là 24% trong khi thực tế thử nghiệm cho kết quả là 0,5%). Ngoài ra còn nhiều vi phạm về ghi nhãn sản phẩm, hàm lượng DHA, canxi thấp hơn công bố… Sự kém minh bạch này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn khiến người tiêu dùng không an tâm khi lựa chọn sữa nội.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tại là thời điểm tốt để các doanh nghiệp sữa trong nước khắc phục nhược điểm, tranh thủ cơ hội chiếm lĩnh thị trường có lượng người tiêu dùng rộng lớn này.

Vân Hằng