Sửa Luật CAND là thiết thực xây dựng lực lượng Công an Cách mạng, chính quy, hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn - nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP Hà Nội chia sẻ quan điểm về sự cần thiết điều chỉnh, sửa đổi Luật Công an nhân dân.

Luật CAND được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Qua 3 năm đưa Luật vào thực tiễn, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, như công tác Công an được nâng cao, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu, rộng. Nhưng, quá trình thực hiện Luật vẫn còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ trong cán bộ chiến sĩ.

Cụ thể là: năm 2019, Quốc hội ban hành Luật Lao động và có hiệu lực từ 01/01/2021. Đối chiếu với Luật CAND thấy chưa tương thích với việc áp dụng tuổi phục vụ trong CAND. Nếu được kéo dài thêm tuổi phục vụ sẽ có lợi hơn cho công cuộc giữ gìn an ninh trật tự vì số này đã nắm chắc địa bàn nắm chắc con người cũng như tình hình kinh tế xã hội nơi được phân công.

Trong quá trình hoạt động công tác nhiều cán bộ chiến sĩ lập thành tích đặc biệt xuất sắc nên được thăng cấp bậc hàm trước niên hạn hoặc vượt cấp, đã kịp thời động viên CBCS và tác động tích cực tới phong trào thi đua trong lực lượng CAND.

Theo Luật CAND Bộ Công an mới triển khai cho CBCS có cấp hàm từ Đại tá trở xuống, còn cấp Tướng trở lên do Chủ tịch nước quyết định theo Khoản 3 Điều 23 của Luật CAND đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thi hành; trong khi nhiều lãnh đạo cấp Tướng có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hợp tác chống tội phạm quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, An ninh đối ngoại, các vụ án lớn, các công trình nghiên cứu quan trọng, các Đề án thuộc Chính phủ chỉ đạo ... lại chưa được động viên thỏa đáng, kịp thời.

Việc quy định cấp hàm trần trong Luật CAND đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND chưa phù hợp với thực tiễn. Thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng cũng như hướng dẫn của Chính phủ, bộ máy các cấp của nghành Công an đã được đổi mới như bỏ cấp Tổng cục, bộ máy tinh gọn theo hương giảm đầu mối, Công an chính quy đã bố trí xuống tận xã ... Hiện tại, thủ trưởng các đơn vị cấp Cục đã được thăng hàm cấp Tướng nhưng cũng còn các đơn vị tương đương cấp Cục lại chưa được quy định cấp hàm trần cao nhất. Hay như trong các nhà trường đào tạo như nhau, nhưng trường mang danh Học viện lại khác với các trường mang danh Đại học. Ngoài ra, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động (tương đương cấp phòng), Luật CAND quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá là không phù hợp thực tiễn vì đơn vị chiến đấu ăn ở tập trung với quân số đông, làm nhiệm vụ quan trọng và đã được Quốc Hội xác định bằng Luật Cảnh sát cơ động thông qua tháng 6 năm 2022 .

Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Nghị quyết 111/NQ/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Theo lộ trình, Hà Nội cũng sẽ có Thành phố thuộc Thành phố tương tự như Thủ Đức. Vậy quy định tại Tiết C, Khoản 1, Điều 25 của Luật CAND: “cấp Thượng Tá là cao nhất đối với chỉ huy của CATP thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương”, là chưa phù hợp với tính chất, địa bàn, vị trí chức năng nhiệm vụ của đơn vị này…

Những bất cập trên tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất, có thể tác động đến tâm lý chung trong cán bộ chiến sĩ. Việc Bộ Công an xây dựng Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CAND là cần thiết và kịp thời, đồng thời cũng là thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng 13 cũng như các Nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đề nghị cơ quan soạn thảo và chủ trì Dự án Luật sớm tập hợp các nguồn đóng góp ý kiến trình Chính phủ và Quốc Hội phê chuẩn./.