Sửa đổi Luật Căn cước là vô cùng cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại hội trường về Luật Căn cước chiều 22-6, hầu hết các ĐBQH đều cho rằng việc sửa đổi luật này là vô cùng cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn…

Tích hợp các giấy tờ bằng giấy vào Thẻ căn cước rất hợp lý

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, hiện chúng ta đang xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số…Đây cũng là xu thế tất yếu toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ vào Thẻ căn cước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia khi giao dịch dân sự và các hoạt động khác trong đời sống.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) thảo luận

Bên cạnh đó, việc tích hợp các giấy tờ bằng giấy như Giấy phép lái xe, Đăng ký hết hôn…vào Thẻ căn cước là rất hợp lý.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được thiết kế, xây dựng ở cấp độ 4 về mức độ đảm bảo an toàn thông tin. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề bảo mật.

Phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu nêu về Dự án Luật Căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, dự án Luật Căn cước là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nước ta.

Bộ trưởng Tô Lâm đã tóm tắt các ý kiến đại biểu, tập trung vào 10 nhóm vấn đề chính gồm sự cần thiết ban hành; tính thống nhất, tình khả thi; tên gọi; thông tư dữ liệu quốc gia; nội dung trong thẻ căn cước; quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước…, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ xin tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, giải trình báo cáo Quốc hội cho ý kiến giải trình tại Báo cáo 311, Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Về sự cần thiết ban hành, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến đều nhất trí ban hành Luật Căn cước và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ luật của Chính phủ; khẳng định trong hồ sơ dự án luật đảm theo quy định của pháp luật, đồng thời Chính phủ đã kịp thời tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội.

Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi…Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đa số đại biểu nhất trí với ý kiến, chính sách, nội dung lớn quy định trong dự thảo…

“Thời bao cấp mỗi gia đình có một Sổ hộ khẩu, ai cũng sợ mất sổ nên giữ gìn cẩn thận. Nay với Thẻ căn cước dù độ bảo mật đã nâng lên nhưng mỗi cá nhân vẫn cần bảo quản thẻ cẩn thận và lưu ý bảo mật thông tin trên thẻ” - đại biểu Nguyễn Hải Dũng khuyến cáo.

Ngoài nội dung trên, đại biểu cũng đồng tình với việc đổi tên thành Luật Căn cước bởi trong hồ sơ báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội đã giải trình rất rõ. Thẻ căn cước sắp tới không chỉ cấp cho công dân Việt Nam mà còn cấp cho người gốc Việt Nam, đang sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Luật điều chỉnh 2 đối tượng này nên tên gọi mới là Luật Căn cước mới bao hàm hết đối tượng luật điều chỉnh.

Đồng tình với việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhận định, việc Giấy khai sinh được tích hợp vào căn cước rất thuận tiện cho người dân trong quán trìng sử dụng.

Cùng tham gia thảo luận về Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao Bộ Công an thời gian qua đã quyết liệt trong việc cấp Thẻ CCCD và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC). Hiện đã có gần 80 triệu thẻ CCCD được cấp cho người có đủ điều kiện, CSDLQGVDC đã kết nối 13 bộ ngành và 63 tỉnh thành.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, hồ sơ dự án Luật Căn cước đã được chuẩn bị công phu nghiêm túc và có chất lượng cao. Về thông tin của công dân được thu thập tích hợp trong CSDLQGVDC, đại biểu tán thành quy định về các chủ thể được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu. Song theo đại biểu, các thông tin trong đó rất rộng trong đó có thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân, nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền phức cho họ.

“Mỗi cơ quan có nhu cầu khai thác thông tin khác nhau. Cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định cụ thể phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ chức năng của từng chủ thể” - đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đề xuất.

Cấp Thẻ Căn cước cho người không quốc tịch rất cần thiết

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, dự thảo quy định cấp Thẻ căn cước cho người Việt Nam sống tại Việt Nam không quốc tịch là phù với hợp thực tế. Hiện cả nước có hơn 31.000 trường hợp chưa xác định được quốc tịch, khi thực hiện cấp căn cước cho nhóm đối tượng này sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ, họ được tham gia các giao dịch thiết yếu trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước. Ngoài ra, nếu không thu thập thông tin, quản lý nhóm đối tượng này nếu họ vi phạm pháp luật thì rất khó xác minh, xử lý

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhận định, việc Luật Căn cước mở rộng đối tượng cấp căn cước cho người Việt Nam sống tại Việt Nam không quốc tịch là phù hợp đảm bảo quyền con người. Thời gian qua, họ không có HKTT, không được học hành, không có chính sách an ninh xã hội đã gây ra nhiều hệ luỵ xã hội.

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình

Tuy vậy, theo đại biểu, việc cấp căn cước cho họ cũng cần thận trọng, khách quan, tránh việc kẻ gian lợi dụng hợp thức hoá giấy tờ để phạm pháp.

“Để CSDLQGVDC và dữ liệu căn cước kịp thời chính xác, Nhà nước cần đảm bảo nguồn lực đề đầu tư hạ tầng kịp thời kết nối thông tin trong thời gian nhất định, nếu chậm sẽ không thể áp dụng được và không thể khai thác. Việc khuyến khích tổ chức cá nhân tài trợ hỗ trợ xây dựng CSDLQGVDC là cần thiết để giảm chi phí ngân sách nhưng phải đảm bảo an toàn bí mật thông tin cá nhân cho người dân” - đại biểu Phạm Văn Hoà nêu ý kiến.