Sử dụng thiết bị theo dõi - lằn ranh tội phạm

ANTĐ - Điều 125 BLHS quy định, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín sẽ bị cảnh cáo, phạt tiền; và có thể đối diện án phạt tù cao nhất đến 2 năm. 

Sử dụng thiết bị theo dõi - lằn ranh tội phạm ảnh 1Công an Hà Nội kiểm tra một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện tử

1.001 lý do sử dụng “công nghệ” theo dõi

Ngày 29-10, CQĐT Công an TP.HCM đã áp dụng biện pháp tố tụng đối với Đinh Thái Hùng (31 tuổi), Giám đốc Công ty cung cấp thông tin Việt Star; La Hồng Tài (32 tuổi) và Đinh Ngọc Toàn (25 tuổi) để điều tra, xử lý hành vi cài phần mềm theo dõi. Trước đó, tại một quán cà phê, Hùng và Tài bị lực lượng công an bắt quả tang khi đang bán phần mềm định vị, nghe lén với giá 8 triệu đồng. Theo khai nhận của các đối tượng, khách hàng phải trả số tiền trên để được sử dụng phần mềm theo dõi trong 6 tháng. 

Cùng thời điểm trên, tổ công tác khác của Công an TP.HCM ập vào một quán cà phê ở quận Tân Bình, bắt quả tang Đinh Ngọc Toàn đang cài phần mềm nghe lén điện thoại cho một phụ nữ muốn theo dõi người thân với giá 6 triệu đồng trong vòng 6 tháng. Khám xét trụ sở Công ty Việt Star tại huyện Hóc Môn, cơ quan công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm pháp của nhóm Đinh Thái Hùng. Theo CQĐT Công an TP.HCM, tính từ đầu năm 2015, đây là chuyên án thứ hai được phát hiện, khám phá. Trước đó, lực lượng chức năng xử lý 2 công ty ở quận Thủ Đức và Tân Phú về hành vi kinh doanh thiết bị nghe lén điện thoại, đọc lén tin nhắn... Căn cứ theo đơn đặt hàng của khách, doanh nghiệp cài phần mềm hoặc gắn “chíp” theo dõi với giá 5 - 15 triệu đồng trong vòng 3 tháng đến khi bị phát hiện, 2 doanh nghiệp này đã có khoảng 200 “đơn hàng”.

Các doanh nghiệp, đối tượng bị phát hiện, xử lý nêu trên khiến dư luận nhớ đến vụ án liên quan đến Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (địa chỉ tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tháng 5-2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đấu tranh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của doanh nghiệp này. Cụ thể, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Việt Hồng kinh doanh phần mềm Ptra… với các tính năng xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát. Ngoài ra, người sử dụng còn có thể ra lệnh, điều khiển từ xa chiếc điện thoại bị cài Ptra… bằng cách gửi tin nhắn tới điện thoại này.

Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, số lượng tài khoản đã từng bị cài phần mềm Ptra… lên đến hơn 14.000. Trong đó, gần 7.500 tài khoản chưa được xóa dữ liệu trong máy chủ của Công ty Việt Hồng; 670 tài khoản vẫn đang trong thời gian bị giám sát. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ người sử dụng dịch vụ của Công ty Việt Hồng sẽ được cung cấp “gói thuê bao” theo tháng với giá từ 400.000 đến 1,2 triệu đồng. Sau khi nạp tiền, khách hàng được truy cập vào website để nắm thông tin phần mềm thu thập về cũng như điều khiển điện thoại đã bị cài đặt Ptra….

Nguy cơ trở thành tội phạm

Theo Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội, phần mềm theo dõi điện thoại di động ngày càng được lập trình một cách tinh vi. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều vướng mắc do việc cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp rất chung chung. Mặt khác, công tác quản lý thông tin thuê bao vẫn còn nhiều nhược điểm, chưa kể các đối tượng mua phần mềm, lén lút theo dõi người khác phần lớn thân quen nhau nên công tác đấu tranh, xử lý tương đối khó khăn. 

Nhìn nhận về hiện tượng và chế tài đối với việc sử dụng phần mềm, thiết bị theo dõi, luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh  (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Khoản 1, Mục A Phụ lục số 01 quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyện dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng” thuộc nhóm hàng hóa cấm kinh doanh. 

Khoản 3, Mục B Phụ lục số 01 quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thuộc nhóm dịch vụ cấm kinh doanh. 

Vì vậy, việc mua bán, cung ứng dịch vụ nêu trên được xác định là hành vi buôn bán hàng cấm và kinh doanh dịch vụ cấm. Tùy vào tính chất, mức độ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp nghiêm trọng, các hành vi nêu trên có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Ngoài ra, theo điều 125 BLHS quy định tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác sẽ bị cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đến 5 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 - 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 

Hành vi buôn bán hàng cấm bị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; với mức phạt tiền từ 1 triệu đến 100 triệu đồng, đi kèm hình thức xử phạt bổ sung. Hành vi kinh doanh dịch vụ cấm bị xử lý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, đi kèm hình thức xử phạt bổ sung.