Sử dụng thiết bị, phần mềm "gián điệp" - Chơi dao có ngày đứt tay

ANTĐ - Thời gian qua, việc mua và sử dụng thiết bị nghe lén, phần mềm “gián điệp” trên điện thoại di động đã trở nên khá phổ biến. Trong lĩnh vực kinh doanh, để hạ gục đối thủ nhanh chóng, không ít đối tượng đã tìm cách “chơi xấu”, dùng thiết bị nghe lén, phần mềm “gián điệp” nhằm thu thập thông tin liên quan đến các hợp đồng kinh tế, bí mật kinh doanh của đối phương. Cũng vì thế, một số người đã bị ăn cắp mật khẩu và số thẻ ngân hàng, dẫn tới thiệt hại không nhỏ về kinh tế - chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết.

Ngoài lĩnh vực trên, thiết bị nghe lén, phần mềm “gián điệp” còn được sử dụng để thu thập bí mật đời tư của cá nhân, theo dõi người thân. Thực tế đã xảy ra không ít chuyện “cười ra nước mắt” liên quan đến việc theo dõi này. Thậm chí có những bạn trẻ mới bước vào tuổi yêu cũng dùng sản phẩm nghe lén, phần mềm “gián điệp” để theo dõi người yêu của mình. Hậu quả là những vụ đánh ghen ầm ĩ, những tình yêu vừa nhen nhóm đã nhanh chóng tan vỡ khi người bị theo dõi phát hiện ra sự thật.

Cũng theo bà Lê Thị Túy, không ít cặp vợ chồng đang hàng ngày theo dõi, nghe lén điện thoại của nhau, đặc biệt là khi một trong hai người phát hiện ra người kia có những “biểu hiện đáng ngờ”. Ở góc độ nào đó, hành động theo dõi có thể được thông cảm, bởi có người tuy đã kết hôn song vẫn có những mối quan hệ ngoài luồng, vẫn lui tới nhà nghỉ với nhân tình trong giờ làm việc. Và để có bằng chứng, để “bắt tận tay, day tận mặt” cho đối phương hết đường chối cãi, người vợ (hoặc chồng) đã gửi gắm trọn vẹn lòng tin của mình vào… thiết bị nghe lén, phần mềm “gián điệp”. Tuy vậy, khi sử dụng biện pháp này, họ không hiểu rằng, đây chính là con dao hai lưỡi. Chơi dao sắc ắt có ngày đứt tay, bởi dù có đưa ra bằng chứng thì “xấu chàng hổ ai”? Việc làm này chẳng khác gì đổ dầu vào lửa, nó không những không thể hàn gắn mối quan hệ đang rạn nứt mà còn đẩy 2 bên xa nhau hơn. 

Theo dõi đời tư của người khác khiến người theo dõi luôn phải sống trong trạng thái lo lắng, căng thẳng, bất an, còn người kia khi phát hiện mình bị theo dõi, lòng tin của họ gần như bị xóa sổ. Hành vi nghe lén thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu tin tưởng nhau trong những mối quan hệ. Đặc biệt là đối với những người đang yêu nhau hoặc những cặp vợ chồng. Đành rằng trong cuộc sống, đôi khi việc “kiểm tra chéo” là cần thiết, song không phải bằng việc lén lút theo dõi thông tin trên điện thoại hoặc đi tìm bí mật của nhau để cưỡng ép, khống chế. Đó không phải là hành động cứu vãn hạnh phúc mà là sự đối phó.

Nghe lén, theo dõi thể hiện sự thiếu kỹ năng sống. Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, vợ chồng không nên nghe lén điện thoại của nhau, cha mẹ không nên theo dõi điện thoại của con cái mà cần quan tâm, gần gũi, dành thời gian chăm sóc lẫn nhau. Có như vậy, nền tảng gia đình mới ngày càng được củng cố và bền vững.