Sự chia rẽ sâu sắc trong Hội đồng Bảo an LHQ sau khi Triều Tiên thử tên lửa

ANTD.VN - Trong khi CHDCND Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa bất chấp mọi biện pháp trừng phạt thì cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an lại chia rẽ sâu sắc trong việc làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả.

Hội đồng Bảo an LHQ còn chia rẽ và bất đồng trong vấn đề Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 5-7 đã tiến hành phiên họp khẩn về vấn đề Triều Tiên. Diễn ra chỉ một ngày sau vụ phóng thử được cho là thành công, đánh dấu bước tiến dài trong việc phát triển chương trình tên lửa của Triều Tiên, cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ nhằm thảo luận các biện pháp đối với chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Đông Bắc Á này. 

Tuy nhiên, cuộc họp của cơ quan có quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc lại lâm vào bế tắc khi các thành viên thường trực chủ chốt lại bất đồng quan điểm sâu sắc với vấn đề Triều Tiên. Các Đại sứ Mỹ, Anh và Pháp kêu gọi HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết mới có tính ràng buộc nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong khi đại diện của Nga và Trung Quốc lại phản đối việc tăng cường bao vây kinh tế đối với Bình Nhưỡng.

Sự chia rẽ trong vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên ngày thêm căng thẳng bởi các hành động đơn phương của các bên liên quan. Bởi sự bất đồng giữa các cường quốc hàng đầu thế giới này có thể khiến cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trở nên trầm trọng hơn.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bùng phát năm 2007 tới nay, HĐBA LHQ đã thông qua 7 lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, trong đó mới nhất là Nghị quyết trừng phạt ngày 2-6 vừa qua. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, dù gây ra những khó khăn nhất định cho Triều Tiên, song đều không thể ngăn chặn được chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này. Một nguyên nhân quan trọng là do sự chia rẽ trong việc thực thi Nghị quyết của HĐBA LHQ.

Sự “mất thiêng” của các biện pháp trừng phạt đã tạo ra “khe hở” để Triều Tiên có đủ nguồn lực phát triển đồng thời cả hai chương trình hạt nhân và tên lửa. Vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 4-7 vừa qua đã đánh dấu bước tiến mang tính đột phá của Bình Nhưỡng.

Quả tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng đúng ngày Quốc khánh Mỹ (4-7) đã phá vỡ các kỷ lục mà tên lửa của nước này đạt được khi bay cao tới 2.802km, xa 933km và tấn công trúng mục tiêu trên vùng biển phía Đông sau khi bay 39 phút. Điều quan trọng nhất là tên lửa này có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ tại Alaska và thiết kế phần đầu của tên lửa đủ khả năng mang đầu đạn hạt nhân khi không bị thiêu cháy lúc trở lại bầu khí quyển với nhiệt độ lên tới 7.000-8.000 độ C.

Với vụ phóng tên lửa ngày 4-7, Triều Tiên đã tiến rất sát tới việc đủ sức bắn lên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới tất cả các quốc gia đối đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản và một phần lãnh thổ phía Tây của Mỹ. Sự chia rẽ trong phiên họp khẩn cấp của HĐBA LHQ ngày 5-7 khiến Washington và đồng minh nóng lòng tính tới biện pháp đơn phương cứng rắn nhưng đầy mạo hiểm là sử dụng biện pháp quân sự như tuyên bố công khai của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley trong phiên họp khẩn cùng ngày 5-7. 

Toan tính dùng bạo lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã ngày lập tức vấp phải phản đối mạnh mẽ từ cả Nga và Trung Quốc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày 5-7 truyên bố, mọi nỗ lực nhằm biện minh cho các giải pháp quân sự tại Bán đảo Triều Tiên đều là không thể chấp nhận được và có thể kéo theo hậu quả khôn lường. Nga và Trung Quốc cùng kiên trì lập trường chỉ có đối thoại mới là con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề Triều Tiên.