“Sốt” vì quy... hoạch
(ANTĐ) - Trong khi chúng ta đang ngồi đây bàn về quy hoạch Hà Nội, thì giới buôn bán bất động sản đang sôi sục ngoài kia, nhất là ở Ba Vì và trục Thăng Long”, một đại biểu Quốc hội Hà Nội phát biểu trong phiên thảo luận về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi Đồ án Quy hoạch được Chính phủ trình Quốc hội “cơn sốt đất” đến mức... co giật, mà lại điểm “nóng” hầm hập là trục Thăng Long dài khoảng 30km nối từ hồ Tây đến chân núi Ba Vì, nơi dự kiến sẽ đặt Trung tâm hành chính Quốc gia.
Chỉ vài tháng gần đây, nông dân ở thôn Yên Nghĩa, Hà Tây “bỗng dưng” thành tỷ phú chỉ sau một đêm thức dậy. Đất làng và khu vực xung quanh lên “cơn sốt” tới 30-40 triệu đồng/m2. Khi khu đô thị mới Văn Khê khởi công xây dựng, lấy đi cánh đồng của 3 xã. Nhiều người xây biệt thự, mua ôtô chỉ cần bán mảnh đất trị giá bằng “cái bánh xe” Dream mà họ mua cách đây 5 năm. Nhiều người trong thôn còn mở điểm cho vay lãi suất qua đêm 2.000 đồng/triệu phục vụ những người buôn bán đất.
Thậm chí có những người hồi trước Tết bỏ ra 3 tỷ đồng mua lô biệt thự, thì nay đã có trong tay hơn 10 tỷ đồng. Hiện tượng này không biết nên mừng hay lo? Một đại biểu Quốc hội còn cho biết, ở huyện Đan Phượng, giá đất “sốt” kinh hoàng sau từng đêm. Từ 60 triệu đồng/m2, sáng hôm sau đã vọt lên 80 triệu đồng, hôm sau nữa tăng tới 100 triệu đồng. Rõ ràng, giá đất sốt ảo vì quy hoạch. Vấn đề này đã được đề cập trong một báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội nhằm bổ sung thông tin để Quốc hội thông qua Đồ án quy hoạch. Theo báo cáo, giá bất động sản tại Hà Nội tăng bình quân 30%, có nơi tăng hơn 40% trong những tháng đầu năm nay so với quý IV-2009.
Giá tăng mạnh nhất khu vực phía tây Hà Nội, các dự án khu vực quận Hà Đông có giá chuyển nhượng trong tháng 5 vừa qua tăng trung bình 40% so với tháng 12-2009. Các dự án dọc đường Lê Trọng Tấn kéo dài hiện đang chào bán trên thị trường tự do từ 40-60 triệu đồng/m2. Đặc biệt, đất nền dự án Văn Khê, Mỗ Lao là 60-70 triệu đồng/m2. Khu vực An Khánh khoảng 20-30 triệu đồng/m2, còn tại huyện Quốc Oai vào khoảng 20-30 triệu đồng/m2. Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, giao dịch đất đai hiện nay chủ yếu là do mục đích đầu cơ và có nguyên nhân không nhỏ từ việc Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và trình lên Quốc hội.
Mặc dù phần lớn ý kiến của đoàn Quốc hội Hà Nội đều đồng tình với sự cần thiết phải có Quy hoạch chung Hà Nội, nhưng có người băn khoăn về tính khả thi tài chính. Chính phủ vừa trình dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, xây dựng bảo dưỡng hệ thống đường bộ 70 tỷ USD, tổng cộng là 126 tỷ USD. Lại cần thêm 90 tỷ USD cho quy hoạch Hà Nội thì lấy vốn ở đâu, ngoài vốn ODA, vốn ngân sách và vốn tư nhân? Có ý kiến lo ngại về năng lực quản lý. Bằng chứng là hai dự án khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội mà chính Hà Nội mất 12 năm làm vẫn chưa xong, đất đai đền bù chỉ vài chục phần trăm.
Trong “cơn sốt” giá đất vì quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhận xét, quy hoạch Hà Nội lấy đất nông nghiệp quá nhiều. Diện tích đất nông nghiệp 90.000ha, trong đó 2/3 được chuyển sang đất đô thị, nên xem xét lại. Theo ông, cần tận dụng việc mở rộng Hòa Lạc và Xuân Mai tối đa. Hạn chế các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, những đô thị chiếm nhiều đất thì nhất thiết không nên được mở rộng. An ninh lương thực là chiến lược quan trọng hàng đầu của quốc gia. Đất nông nghiệp phải cố giữ lấy và cần sử dụng những vùng đất có năng suất cao.
Đan Thanh