Song Tử Tây đã ở trước mắt

ANTĐ - Ngay khi bước chân lên cầu tàu để chuẩn bị làm Lễ ra khơi, chúng tôi đã gặp ngay tốp lính “nhà xuồng” đứng đón khách trên boong. Họ mặc những bộ rằn ri, nom đã thấy tinh thần biển cả. Gương mặt họ rất trẻ và rắn rỏi. Họ xuất hiện thấp thoáng, chỉ lúc cần thì ào ra khá hùng hậu. Đây cũng chính là những người lính Hải quân điêu luyện trong nghề đi biển, xử lýcác tình huống trên biển cả, thiện chiến khi cần thiết để bảo vệ tàu và các thành viên đi công tác. 

Nhưng có lẽ họ lại là những người ít được tiếp xúc trực tiếp nhất với mọi người trên tàu, chỉ khi lên xuống tàu, lên xuống đảo, vào cái thời khắc gấp gáp và cần thận trọng nhất đó, thì họ đứng ra làm rào chắn, đỡ hoặc cõng khách, chỉnh hướng mũi xuồng máy, neo xuồng, quăng dây, mang vác... Nghĩa là chúng tôi chỉ được gặp họ vào cái lúc cần khẩn trương và khi ấy không ai quan tâm chào hỏi, chỉ quan tâm tới việc lên xuống an toàn, nhanh nhẹn, không gây phiền hà cho đoàn công tác ở mức tối đa.

Lễ ra khơi được tổ chức thật trang trọng. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến cảnh tượng hùng tráng của Hải quân nhân dân Việt Nam khi họ làm một nghi lễ biển cả đầy khí phách, trang nghiêm và hấp dẫn như thế. Toàn bộ thành viên đoàn công tác rất lấy làm hào hứng.

Còi hú một hồi dài báo hiệu chuẩn bị nhổ neo ra khơi.

Xuất phát từ cảng Cam Ranh, con tàu khẽ chuyển mình rồi lướt đi trên vùng cảng đẹp nhất của Biển Đông. Chúng tôi nhìn thấy những con tàu khác đang chuẩn bị làm nhiệm vụ neo lặng lẽ trên vịnh. Nhìn thấy cặp đôi tàu ngầm đang neo sát bờ cảng. 

Khi tàu HQ 996 dần rời xa bến cảng là khi sóng Viettel bắt đầu mờ dần.

Biển khơi xa thẳm đang ở trước mặt. 

Song Tử Tây kia rồi. Cả tàu thức dậy từ sớm để chuẩn bị lên đảo.

Đi cả hành trình gần hai ngày lênh đênh trên biển, 5h30 phút sáng, tàu HQ 996 hú còi thả neo, báo cho đảo Song Tử Tây biết chuẩn bị đón khách.

Đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 2014.

Tất cả thành viên trong đoàn đều hồi hộp chờ đợi giây phút này. Chúng tôi ùa ra boong tàu. Ai nấy đều tranh thủ chụp những tấm hình kỷ niệm. Trong ánh bình minh đang chuẩn bị ló rạng trên bầu trời, một thứ ánh sáng bao la tỏa rạng khắp mặt biển, đảo Song Tử Tây hiện ra trước mặt đẹp huyền bí như câu chuyện cổ tích Mai An Tiêm.

Bây giờ là lúc thực hiện nghiêm lệnh đã được phổ biến: Không đi dép lê, giày cao gót. Không… Xuống xuồng máy theo chỉ dẫn của tổ công tác.

Bây giờ cũng là lần đầu tiên chúng tôi được biết thế nào là chuyện lên xuống xuồng máy từ tàu ra đảo, và rồi từ đảo về lại tàu.

Trên loa tàu đọc lần lượt tên những nhà báo; nhà văn được xuống chuyến xuồng đầu. Có lẽ ai đã đi Trường Sa đều luôn nhớ câu phát trên loa. Sớm nay, lúc 4h30’ tiếng loa báo thức vang lên khắp tàu: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”. Tất cả vục dậy vội vàng, chạy ra xếp hàng phòng vệ sinh rồi lại xếp hàng bên phòng tắm. Nhanh nhất có thể. Còn bây giờ đây là “Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu!”. Và các thành viên đã sẵn sàng để mặc áo phao, leo cầu tàu và nhảy xuống xuồng máy.

Từ chỗ tàu neo để lên được đảo không hề đơn giản. Thường tàu neo lại trên biển cách đảo chừng một vài hải lý. Các xuồng CQ được đưa ra. Mỗi xuồng có 2 đến 3 thuyền viên vừa giữ xuồng vừa đón khách xuống. Trên tàu lại 2 đến 3 thuyền viên nữa vừa giúp khách mặc áo phao, vừa cầm hộ túi xách ba lô máy ảnh… Sóng đánh dập dềnh. Gặp khi sóng yên bể lặng còn đỡ. Khi sóng lên xuống dập dồn, xuồng CQ cũng bị nhồi lên nhồi xuống hàng vài mét. Khách bước từ thang dây thả từ tàu xuống xuồng, không nhằm đúng khi xuồng nhô lên đón đúng bước chân mà cứ rụt rè sợ hãi, có khi bị hụt chân mà ngã xuống, hoặc bị mạn xuồng đập dập chân.

Khi xuống được xuồng rồi, ngồi yên vị trên xuồng thì có thể ngắm biển một cách trực diện. Biển đập sóng oàm oạp bên mạn xuồng. Những tia nước có thể làm ướt máy ảnh nếu không giữ cẩn thận. Nhưng đó là lúc chúng tôi được tiếp cận với sóng nước trùng khơi một cách trực diện nhất, đáng sợ nhất và cũng lý thú nhất. Con người thật nhỏ bé giữa biển khơi. Trên là mặt trời thiêu rọi. Dưới là trùng trùng khơi xanh bí ẩn và mịt mờ…

Nhưng cảm nhận điều đó ở lần đầu ngồi xuồng để lên đảo chưa rõ rệt lắm. 

Vì chúng tôi vẫn đang háo hức lên đảo. Đảo lấn át mọi thứ tình cảm khác. Đảo như giấc mơ bao lâu, giờ hiện diện thực sự ngay phía trước. Phải đánh đổi gần hai ngày chịu đựng cảm giác say sóng, tuy tôi không hẳn say, nhưng chao đảo và cố căng người để chống cơn say cứ chực trào lên, quật đổ bản thân. Ăn cơm cũng trong tình trạng chòng chành. Nằm chòng chành. Đi lại chòng chành. Gặp tàu lạ phải bẻ hướng không thì sẽ đâm nhau. Làm quen với chật chội trong khoang tàu, chen chúc đợi nhau trong phòng vệ sinh, phòng tắm. Tất cả để được hưởng cảm giác nhìn thấy đảo cứ hiện dần lên.

Xuồng đến gần đảo, đã thấy hai hàng cán bộ chiến sĩ hải quân đứng đón. Màu áo trắng truyền thống của hải quân hòa trong nắng rực rỡ giữa đảo làm không khí đón tiếp vô cùng cảm động. Nếu là đảo chìm thì các anh đứng tràn bên bờ đảo. Những gương mặt đen nhẻm và những ánh mắt lấp lánh. Chúng tôi lại được những bàn tay mạnh mẽ nắm và đỡ lên bờ. Lúc đó trong tôi chợt ào lên một cảm xúc khó tả. Nhưng rõ rệt nhất là cái ý nghĩ: Thực sự hiện giờ gian khổ nhất là những người lính nơi hải đảo xa xôi này. Nghĩ đến đó mà nước mắt cứ chực trào ra nơi khóe mắt. Những gương mặt còn trẻ quá. Ở nhà chắc còn nũng mẹ. Đón khách bằng nụ cười và niềm vui như được thấy đất liền, như được ôm quê vào lòng. 

Xuồng lại quay ra đón tiếp khách trên tàu. Tổ xuồng có lẽ là tổ phục vụ vất vả và nguy hiểm gian nan nhất. Nhưng nhìn cách các anh vắt dây neo xuồng hay cách đón dây ném từ xuồng quăng lên tàu, thật yên lòng. Cứ như họ có phép cân đẩu vân và các phép thuật khác khi thực hiện các thao tác thuần thục đến vậy.

Cảnh các xuồng máy hải quân đưa các thành viên đoàn công tác di chuyển từ tàu lên đảo và từ đảo về lại tàu đã từng được nhiều nhà báo ghi lại bằng hình và viết trong các bút ký. Toàn bộ hải trình có 20 lần lên đảo, nhà giàn, và từ đảo về lại tàu. Mỗi lần di chuyển có 2-3 xuồng, mỗi xuồng chỉ đưa được 20-30 thành viên. Các thủy thủ phải đưa đón nhiều chuyến cho một lần lên đảo hoặc về tàu.

Trời nắng gắt như chảo lửa. Thành viên đoàn công tác không quen sóng gió, vất vả đã đành. Các thủy thủ vất vả gấp đôi, vì phải lo an toàn tính mạng đoàn công tác, liên tục làm việc cường độ cao, hầu như không được nghỉ.

Nhưng, đây là công việc giúp cho cả nước hướng về Trường Sa, Hoàng Sa.

Trên trang facebook riêng của mình, tôi đưa bức ảnh kỷ niệm ở một trong những cột chào đầu tiên trên Song Tử Tây: “CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO CỦA TỔ QUỐC LÀ BẤT KHẢ XÂM PHẠM”, kèm lời nhắn gửi cho bạn bè niềm vui vô bờ, mà có lẽ chỉ có ai đã từng đi ra Trường Sa mới thấu hết tận gan ruột niềm vui ấy: 

“Tôi đã chiến thắng những cơn sóng lừng để đến được đây”.

Trên đảo, rất nhiều những nụ cười lấp lánh của các chàng trai sương gió.

Sáng hôm đó chúng tôi đã chào lá cờ Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây trong một không gian tinh thần đặc biệt, đúng 39 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tháng 6-2014