Sống trẻ là sống có ý nghĩa

ANTĐ - Ngày 25-3, tại Lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chia sẻ cảm xúc về một buổi lễ sáng tạo, ý nghĩa đúng với sức trẻ của đoàn viên TNCS. 

Sống trẻ là sống có ý nghĩa  ảnh 1

Hình ảnh 10 cô gái Đồng Lộc được học sinh tái hiện đầy cảm xúc

Với chủ đề sống trẻ là sống có ý nghĩa, hàng loạt các hoạt động đã được thầy và trò nhà trường thực hiện như công diễn cuộc thi “Hát Quốc ca từ trái tim mình”; tổng kết hành trình tri ân với trải nghiệm thực tế tại các địa danh lịch sử: ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường Chín, thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, Vũng Chùa…

Thứ trưởng  Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, yêu nước với tuổi trẻ hôm nay vừa là tri ân với lịch sử dân tộc nhưng đồng thời phải thể hiện trong bối cảnh hội nhập với sức mạnh là tri thức.

Đại biểu quốc hội Phạm Tất Thắng: Hành động ngay để thay đổi tư duy thực dụng, bàng quan 

Giới trẻ, học sinh sinh viên ngày nay có tư tưởng thực dụng hơn, bàng quan hơn trong cách tiếp cận đời sống xã hội. Đó là một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận và nếu chỉ lý giải “là do mặt trái của kinh tế thị trường” thì chưa đủ. Cái quan trọng là chúng ta phải tạo điều kiện để định hướng cho học sinh, sinh viên, giới trẻ thay đổi.

Trước hết, ngành giáo dục đào tạo phải đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy lý tưởng sống, định hướng, tạo động lực để phát huy sức mạnh của giới trẻ. Ngoài ra, chương trình giảng dạy phải thay đổi, trong đó việc giáo dục đạo đức, rèn luyện lý tưởng, lối sống, định hướng cho giới trẻ cần chú trọng hơn đến việc tích hợp vào các môn học khác để nội dung môn học mềm mại hơn, dễ nhập tâm hơn.

Nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn, hội, hoạt động. Bản thân các đoàn, hội, đội cũng phải đổi mới hoạt động của mình theo hướng thiết thực và phù hợp hơn với xu hướng của giới trẻ để thu hút được nhiều người tham gia.

                                                                                 

         Tiến Hưng

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội - Trần Anh Tuấn :Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bền vững

Hiện, Thành đoàn đang phối hợp với một số đơn vị xây dựng đề án hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp. Tập trung hỗ trợ việc tiếp cận nguồn vốn, kết nối chuyên gia, hỗ trợ pháp lý giúp các bạn trẻ biết cách quản lý, vận hành các mô hình kinh tế.

Khởi nghiệp phải tiến tới lập nghiệp, vừa giải quyết được vấn đề việc làm, vừa đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Hiện nay, nhiều sinh viên ra trường với tấm bằng cử nhân nhưng vẫn thất nghiệp, tôi cho rằng nhiều bạn đang thiếu sự năng động, chủ động trong việc tự học và trang bị những kiến thức thực tiễn nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Do đó, bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố, bản thân mỗi đoàn viên thanh niên phải chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

                                                                                         

    An Nhiên 

Bà Dương Kim Trang - Tổng giám đốc điều hành chuỗi dịch vụ làm đẹp Le Soleil Elite: Thử sức mình, thành công từ việc nhỏ

Trước khi mở chuỗi dịch vụ làm đẹp này, tôi làm nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông. Khi đó, tôi tiếp xúc với rất nhiều người thành công nên học hỏi được từ họ sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, tôi bắt đầu khởi sự kinh doanh một cách từ từ, chứ không cố quá sức để vượt khỏi tầm kiểm soát.

Từ vài trăm triệu đồng khi mở cửa hàng đầu tiên đến khi có hệ thống làm đẹp, tôi mất 6 tháng. Cách làm là lấy “mỡ nó rán nó” chứ không bỏ ra thêm. Kinh doanh là “nghề tay trái” của tôi nhưng vì tôi rất đam mê với nghề nên làm cả ngày không chán. Khách hàng càng ngày càng thông minh, tinh tế và kỹ lưỡng, nên tôi luôn phải đặt mình vào vị trí của họ để cung cấp dịch vụ “ngon - bổ - rẻ”. 

Tôi nghĩ, quản lý con người là cái khó nhất, vì nhân viên của tôi còn rất trẻ, chủ yếu là người tốt nghiệp phổ thông rồi đi học nghề và ra làm việc. Nghề lại đòi hỏi sự sáng tạo, cảm hứng nên tôi truyền cho họ đam mê, nhiệt huyết và trả cho họ thù lao hợp lý, tạo cho họ cơ hội học hỏi nhiều hơn. Tôi nghĩ, các bạn trẻ không nên ngại khó, ngại khổ, nên thử sức mình từ những việc nhỏ rồi sẽ thành công.

                                                                                           

     Hà Linh 

Ca sỹ Thái Thùy Linh: Nhìn thấy mình trong những số phận thiệt thòi

Miền núi và bệnh viện là hai nơi tôi dành nhiều tâm huyết trong những chuyến đi thiện nguyện của mình. Tôi nhìn thấy trong mỗi số phận thiệt thòi, mỗi hoàn cảnh khó khăn hình ảnh của mình trong đó. Thái Thùy Linh đã từng trải qua những tháng ngày gian khổ nên có sự cảm thông với người nghèo, người gặp bất hạnh trong cuộc sống.

Ngày còn chưa lập gia đình, tôi cũng tham gia nhiều chương trình tình nguyện, nhưng chưa thấu hiểu và đồng cảm bằng khi tôi đã làm mẹ. Lên miền núi, giữa mùa đông rét buốt, băng tuyết đóng trên từng nóc nhà, tôi thấy các em nhỏ không đủ manh quần, tấm áo giữ ấm cho cơ thể mà chạnh lòng nghĩ về con mình.

Tôi vào bệnh viện, nhìn thấy người bệnh đau đớn, người nhà vất vả chạy ngược chạy xuôi, các cán bộ y bác sỹ đầy áp lực mà chạnh lòng nghĩ về bản thân mình một thời đã qua. Vì thế, hàng năm, tôi thường có các chuyến đi từ thiện lên vùng cao vào dịp cuối năm và tổ chức đều đặn chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” liên tiếp trong 5 năm.

Năm 2016, dù gặp nhiều khó khăn, số đầu tiên của chương trình khởi động muộn hơn thường lệ, nhưng tôi thấy vui vì chương trình nối dài thêm những tiếng cười, niềm hạnh phúc. Nhân đây, tôi muốn kêu gọi mọi người cùng Thái Thùy Linh tham gia làm từ thiện để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống. 
                                                                                       Phạm Hương