Sống ở nơi cao nhất Thủ đô

(ANTĐ) - Có một người bạn đã hỏi tôi rằng: “Hà Nội bây giờ đã rộng hơn nhiều so với trước kia, vậy đâu là nơi cao nhất của Hà Nội? Và ai là người làm việc ở nơi cao nhất của Hà Nội, cuộc sống và công việc của họ như thế nào?”. Câu hỏi ấy chính là lý do để tôi tìm đến Vườn Quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội), nơi có những người đang sống và làm việc ở độ cao cách mực nước biển hơn 1.000m.

Sống ở nơi cao nhất Thủ đô

(ANTĐ) - Có một người bạn đã hỏi tôi rằng: “Hà Nội bây giờ đã rộng hơn nhiều so với trước kia, vậy đâu là nơi cao nhất của Hà Nội? Và ai là người làm việc ở nơi cao nhất của Hà Nội, cuộc sống và công việc của họ như thế nào?”. Câu hỏi ấy chính là lý do để tôi tìm đến Vườn Quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội), nơi có những người đang sống và làm việc ở độ cao cách mực nước biển hơn 1.000m.

Trạm kiểm lâm cốt 1.100m

Chúng tôi đến Vườn Quốc gia Ba Vì vào một buổi sáng có mưa, người đầu tiên tôi gặp ở đây là anh Đỗ Thanh Hùng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính - Vườn Quốc gia Ba Vì. Anh Hùng cho biết, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì gồm 6 trạm kiểm lâm và 1 tổ kiểm lâm cơ động, với tổng diện tích bảo vệ là 10.412ha.

Trong đó, trạm kiểm lâm ở độ cao nhất là 1.100m. Anh Hùng khẳng định: “Đó là trạm kiểm lâm cốt 1.100m, anh em trên trạm là những người vất vả nhất, nhưng cũng có nhiều cái hay, nhiều cái đặc biệt, nhưng phóng viên cứ lên đó tìm hiểu thì sẽ biết...”

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cốt 1.100m và cũng là Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì,  anh Đỗ Hữu Thế  đã có hơn 20 năm gắn bó với nơi đây. Anh cho biết, trước đây ở Ba Vì có một lâm trường mang tên Lâm trường Thanh niên Hà Nội.

Tháng 12-1987, anh là một trong số những người đầu tiên của Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô đến nơi này. Ngày ấy, nơi đây còn hoang vu, trước mắt những người thanh niên trẻ chỉ là một vùng đất trống khô cằn, điện không có, nước không có, những thanh niên xung phong như anh đã phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, vất vả.

Qua nhiều năm, với bao mồ hôi công sức đổ xuống, những vạt rừng xanh tốt đã vươn lên đầy sức sống, xóa đi sự hoang vu vắng lặng ngày nào.

Chặng đường 13km từ Văn phòng Vườn Quốc gia lên trạm cũng chính là chặng đường từ chân núi lên đỉnh Ba Vì. Con đường núi quanh co với những khúc cua dốc đứng. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, có những đoạn, mây mù giăng kín che khuất tầm nhìn. Con đường bao năm nay đã quá quen thuộc đối với những người kiểm lâm nơi đây.

Tổ tuần rừng của Trạm kiểm lâm Ba Vì
Tổ tuần rừng của Trạm kiểm lâm Ba Vì

Bữa cơm giữa rừng và món rau muống... ninh 

Trung tâm của trạm là một ngôi nhà hai tầng nhỏ, nơi “đóng quân” của 5 thành viên. Ngoài trạm trưởng ra, người cao tuổi nhất là ông Đinh Văn Bim, còn lại là các anh Đỗ Quang Đông, Đỗ Viết Bình, Nguyễn Văn Thiện đều rất trẻ. Những thành viên của trạm sống gắn bó với nhau như một gia đình. Ông Bim cũng là người quê xa nhất ở Thái Bình, còn lại các anh đều quê ở chính mảnh đất xứ Đoài mây trắng.

Trạm kiểm lâm cốt 1.100m của Vườn Quốc gia Ba Vì bắt đầu được thành lập từ năm 1996. Đỉnh Ba Vì quanh năm mây phủ, nên ở trên độ cao này, nhiệt độ bao giờ cũng thấp hơn bình thường 4-6 độ, và độ ẩm cũng rất cao. Toàn bộ giấy tờ, sổ sách, công văn, Trạm trưởng Thế đều phải cho vào túi nilon buộc cẩn thận.

Nước sạch đối với các anh cũng là một vấn đề nan giải, bởi trên đỉnh núi không đào được giếng. Nước ăn phải chở từng can nhỏ 5 lít từ dưới chân núi lên, vì thế phải rất chắt chiu tiết kiệm. Để có nước dùng, trạm đã có “sáng kiến” hứng nước từ một khe đá.

Đường ống được bắc khá công phu luồn qua những thân cây, nhưng mỗi ngày cũng chỉ hứng được khoảng một khối nước, chưa đủ để 5 người sử dụng. Mùa đông nơi cách mặt đất hơn nghìn mét cũng khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Anh Đông cho biết: “Ở đây mùa hè có thể đắp chăn ngủ ngon được, còn mùa đông thì  chỉ có dùng sức mà chống lại cái rét chứ chẳng quần áo, chăn màn nào chống được”. Mùa đông năm ngoái, có những ngày nhiệt độ xuống 0 độ C, băng giá đọng trên những cành cây. Nhưng điều đó mới chỉ là một phần trong số rất nhiều những khó khăn của những người kiểm lâm ở đây.

Ngày hôm đó, tôi được các anh mời ở lại dùng cơm, theo như lời anh Đông là để biết bữa cơm trên độ cao hơn 1.000m như thế nào. ở đây, mỗi lần xuống núi là các anh phải mua những thứ cần thiết để dùng trong vòng vài ngày. Anh Đông đùa vui: “Cá khô và lạc rang là hai thứ quen thuộc nhất với anh em ở đây, không phải chúng tôi quá nghèo đâu, mà ở đây mua thứ gì cũng khó”. Bữa cơm hôm đó có thịt rang, cá khô và rau muống, ông Bim bảo: “Rau muống luộc ở đây không bao giờ xanh, mà chỉ một màu đỏ quạch.

Rau muống luộc phải gọi là rau muống “ninh” vì ở độ cao như vậy nấu cái gì cũng khó chín, nhiệt độ sôi khác đi, nên ăn uống trên này cũng có nhiều cái khác biệt”. Bữa cơm được ăn ở giữa rừng, giữa những tiếng chim hót vọng lại từ những tán cây. Thỉnh thoảng, lại xuất hiện một con bọ dừa, một con sâu núi từ đâu rơi xuống, có cả những chú sóc tinh nghịch nhảy qua rồi biến mất vào trong rừng.

Chuyện của những người gác rừng

Anh Đỗ Hữu Thế, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Ba Vì

Anh Đỗ Hữu Thế, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Ba Vì

Nhiệm vụ chính của trạm là quản lý bảo vệ 624ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Ba Vì nằm ở độ cao 800m - 1.100m. Trước đây, đời sống của người dân còn nghèo, nạn chặt phá rừng, săn bắt trái phép diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng kiểm lâm gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ rừng.

Các anh phải liên tục tuần tra canh gác, bởi những kẻ phá rừng có rất nhiều cách hòng trốn tránh kiểm lâm. Nhiều lần trong mưa lạnh, các anh phải đi xuyên rừng, phục cả đêm để rình bắt đối tượng. Đèn pin không dám bật, bởi như thế đối tượng sẽ phát hiện và bỏ chạy, mà phải dựa nhiều vào kinh nghiệm đi rừng của mình.

Những lần truy đuổi và va chạm với đối tượng phá rừng, nguy hiểm luôn luôn cận kề. Anh Thế cho biết: “Đối tượng ở đây phần nhiều là bà con nghèo, nhận thức còn kém, nên phải có những biện pháp đấu tranh phù hợp, chủ yếu là giáo dục thuyết phục để bà con hiểu, chấm dứt tình trạng phá rừng.

Cũng có lần đi cả ngày, các anh mới bắt được đối tượng phá rừng, nhưng rồi thương người ta đói quá, lại phải đi tìm nước nấu mỳ cho họ, trong khi bụng mình thì đói. Còn lần khác, đối tượng phá rừng khi bị phát hiện liền leo lên cây cao ngồi lì trên đó, biết đó là một người dân tộc nghèo dưới bản, các anh dùng cách thuyết phục để đối tượng xuống.

Hiện nay, tình trạng khai thác rừng trái phép ở đây đã gần như không còn. Tuy nhiên, không vì thế mà việc tuần tra canh gác được lơi lỏng mà vẫn phải tiến hành thường xuyên. Mỗi lần tuần tra, tổ tuần tra phải đi khoảng từ 10 - 12km theo đường rừng, và xa hơn nếu đi sâu xuống dưới núi.

Nhiều chỗ là vực dốc đứng, nếu không cẩn thận là nguy hiểm đến tính mạng. Rắn, rết trong rừng quốc gia Ba Vì rất nhiều, và đặc biệt là có nhiều loài rắn độc. Nhưng với nhiều năm làm việc nơi đây đã cho các anh rất nhiều kinh nghiệm trong việc tuần tra canh gác rừng.

Trạm kiểm lâm trên đỉnh Ba Vì còn có một đặc điểm rất riêng về công việc. Anh Thế cho biết: Anh em ở trạm còn có thêm một nhiệm vụ là trông coi ngôi đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì. Đây là đặc thù riêng của trạm mà không nơi nào có cả, đó là điều tâm huyết và là vinh dự của anh em trạm chúng tôi”.

Đỉnh núi Ba Vì quanh năm mây phủ
Đỉnh núi Ba Vì quanh năm mây phủ

Ngôi đền thờ Bác Hồ được xây dựng năm 1999 trên đỉnh Vua, là đỉnh cao nhất của dãy núi Ba Vì với độ cao 1.296m. Tượng Bác được đúc bằng đồng thờ chính giữa đền. Hàng ngày, các anh ở trạm phân công nhau để có thể đảm bảo tốt hai nhiệm vụ là đi tuần bảo vệ rừng và trông coi đền Bác.

Vất vả nguy hiểm như vậy, nhưng tất cả mọi người ở đây đều tìm thấy những niềm vui để gắn bó với công việc. Anh Thiện tâm sự: “Gắn bó với rừng bởi vì mình thực sự yêu rừng. Mỗi lần đi tuần, chỉ cần nghe tiếng chim, tiếng con vật vọng lại từ xa, mình đã nhận ra rồi, bởi vì với mình, tất cả đã quá quen thuộc”.

Công việc như vậy nên các anh phải xa nhà, xa người thân. Những người ở gần thường thì một vài tháng mới về nhà được một lần, mà mỗi lần về đều không được nhiều. Còn người ở xa như ông Bim, cả năm mới về thăm nhà được một hai lần.

Trên đỉnh núi cũng đã có sóng điện thoại, nhưng sóng chập chờn khó liên lạc, hễ có việc quan trọng là anh em lại phải đi xuống tận chân núi. Những đêm dài lạnh và buồn ở trên núi, các anh luôn tự động viên mình và động viên nhau. Đêm 30 Tết, anh Thế thường ở lại trực và một mình thắp hương đêm giao thừa.

Anh bảo những lúc như thế thật buồn, vì xa vợ con, nhưng rồi cũng quen đi, cứ đến Tết là mình lại nhận trực để nhường cho người khác về quê. Mỗi lần ở trạm có người thân lên thăm là một niềm vui chung rất lớn đối với các anh. Đỉnh núi Ba Vì đã quá gắn bó với các anh, mọi khó khăn thiếu thốn cũng đã được khắc phục, cuộc sống của cả 5 người luôn tràn ngập tiếng cười và sự lạc quan.

Trước khi chia tay những người làm việc ở nơi cao nhất của Thủ đô, câu chuyện giữa chúng tôi với những người kiểm lâm dường như cứ muốn kéo dài mà không muốn dứt: “Đúng là chúng tôi đang làm việc ở nơi cao nhất, có những nơi giờ là đất của Hà Nội mà chưa ai ngoài chúng tôi đặt chân đến.

Những ngày đỉnh Ba Vì quang mây, đứng ở trên đỉnh núi có thể nhìn được phía xa xa là trung tâm Hà Nội, thấy rằng mình cũng là một người dân của Hà Nội và thêm gắn bó với công việc của mình” - Lời tâm sự của anh Thế cũng là cảm xúc chung của những người kiểm lâm đỉnh Ba Vì, nơi cao nhất Hà Nội.

Quang Thái