Sông Đa Độ và sông Lạch Tray kêu cứu
(ANTĐ) - Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nước tại Hải Phòng đã kéo dài hàng chục năm nay. Hàng ngày, hàng giờ những dòng sông này phải hứng chịu các loại hóa chất từ nguồn nước thải độc hại xả ra như giaven, xút, axitdyric và axitclohydric.
Vừa qua, chiều 18-12, Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hải Phòng phối hợp với Trung tâm Quan trắc (Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng) đã kiểm tra 6 cơ sở sản xuất rau câu và giấy tại khu vực bờ đê thuộc phường Cát Bi, quận Hải An.
Kết quả, cả 6 cơ sở này đều đổ nước thải có chứa các hóa chất độc hại như xút, dung dịch giaven tẩy mùi, các axít clohydric... trực tiếp xuống sông Lạch Tray. Tại thời điểm kiểm tra, cả 6 cơ sở này đều không xuất trình được giấy cam kết bảo vệ môi trường, giấy đăng ký nguồn thải hay giấy phép xả thải do các ngành chức năng cấp.
Các đơn vị vi phạm: Công ty Thương mại Dũng Thanh (sản xuất giấy) và 5 cơ sở sản xuất rau câu: Công ty TNHH Thương mại thủy sản Hải Đông, Công ty TNHH Hải Thành, cơ sở sản xuất Yến Hồng cùng 2 hộ kinh doanh cá thể khác... Sai phạm là vậy tuy nhiên các cơ sở này vẫn ung dung hoạt động hàng năm trời và con sông Lạch Tray cứ thế phải hứng chịu các loại hóa chất.
Trước đó, khoảng 9h ngày 28-10, các trinh sát Đội 3 - Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hải Phòng) đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất rau câu (chế biến Aga từ tảo biển) nằm dọc bờ sông Đa Độ, tại khu vực Quán Rẽ, xã Mỹ Đức, huyện An Lão. Tương tự như trường hợp trên, các cơ sở này đều không đưa ra được giấy phép đăng ký kinh doanh cũng như bản cam kết bảo vệ môi trường, bỏ qua hệ thống xử lý nước thải, xả thẳng ra sông Đa Độ.
Mỗi ngày 4 cơ sở này đã xả hàng nghìn mét khối nước thải độc hại ra sông Đa Độ. Cũng trong sáng 28-10, lực lượng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra cở sở thứ 5 là Công ty TNHH Công Thành, chuyên sản xuất các loại hạt nhựa nhưng không xử lý nước thải mà xả thẳng ra sông Đa Độ.
Gần đây, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính hàng chục cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh xả thải trực tiếp ra môi trường ở quận Lê Chân, Hải Phòng. Chỉ vài ngày sau, cơ quan công an đã phát hiện và yêu cầu tạm dừng hoạt động 3 cơ sở sản xuất giấy và bột giấy tại địa bàn 2 quận Dương Kinh và Ngô Quyền xả thải trực tiếp các chất độc hại ra sông Lạch Tray.
Nguyên nhân chính do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm lấn chiếm hành lang đê điều và hành lang thoát lũ của sông. Chủ cơ sở “lãng quên” quy định về bảo vệ môi trường, ngang nhiên xả nước thải độc hại trực tiếp xuống sông. Hàng ngày, các con sông phải âm thầm hứng chịu hàng nghìn mét khối nước thải hóa chất độc hại. Thêm nữa, tại Hải Phòng còn diễn ra tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp xuống sông…
Nguyên Lê