Sống... chậm
(ANTĐ) - Nếu tra từ “sống chậm” trên mạng tìm kiếm Google, chúng ta thu được hơn 4,2 triệu kết quả. Xu thế “sống chậm” đã được khởi xướng từ một số nước tiên tiến, như một cách thức để tìm lại chất lượng cuộc sống trong guồng quay chóng mặt của xã hội hiện đại.
Tại nhiều nước phát triển, nhiều người đi làm bằng xe đạp kết hợp với xe công cộng, xu hướng “du lịch chậm” đang tăng trưởng nhanh. Khi đi du lịch, thay vì chạy thoáng qua nhiều nơi, hãy chỉ đi một nơi, đi chậm lại và cảm thụ cuộc sống, ngắm phong cảnh, giao lưu với dân bản địa, để sống gần hơn với một thế giới khác, riêng biệt và thú vị.
“Chậm lại để không hời hợt” - Đó là lời kêu gọi thường thấy trên các blog hoặc các forum của giới trẻ hiện nay vì sống giữa guồng quay không bao giờ ngừng nghỉ của thời gian, giới trẻ bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt và buồn chán trước những áp lực về tiền bạc, bon chen, đua tranh…
Nhiều người bất chợt giật mình khi nhận thấy cần tĩnh lại để nuôi chín cảm xúc, tận sức tận tình với công việc, hưởng thụ cuộc sống, lắng nghe gia đình, bè bạn… Những điều ấy, lâu nay, vì quá vội mà dễ vụt qua, để rồi nay chợt thấy cần “tĩnh” lại để định hình và nhận diện rõ điều gì thực sự là cốt lõi, cần có, điều gì chỉ là thoáng qua.
Nên sống nhanh hay sống chậm? Câu hỏi ấy đã được Carl Honoré đặt ra và dày công tìm kiếm câu trả lời trong “Ngợi ca sống chậm” (đã được dịch ra tiếng Việt), cuốn sách được coi là một quy chiếu quý giá về lối sống, “cho độc giả một cơ hội để thay đổi cuộc đời của họ”. Quan điểm của Carl Honoré chính là gần với cách sống thiền của người phương Đông - ngợi ca sống chậm cũng là ngợi ca năng lực tự tại, tự chủ của cá nhân để sống cuộc sống hữu hạn của mình một cách giá trị và hiệu quả hơn.
“Sống chậm” là khái niệm còn nhiều tranh cãi và có nhiều cách hiểu, nhưng những người sống chậm, rõ ràng có một điểm chung, đó là thích “dụng mưu” hơn “dụng sức”. Tuy nhiên, cũng có một câu chuyện giá trị sống nổi tiếng khuyên những công nhân làm mộc phải biết mài sắc lưỡi cưa của mình, nếu không sẽ bị đào thải cho dù anh có hết lòng làm việc đến mấy. Người trẻ cũng vậy, có thể sống chậm lại nhưng đừng quên mài bén lưỡi cưa!
Tất nhiên không phải chậm lúc nào cũng tốt. Chính nhà báo Will Hutton, người đã có nhiều bài viết nổi tiếng về xu thế sống chậm cũng phải thú nhận ông thích ngồi trên máy bay để đến Mỹ hơn là đi bộ (!) và ông thích sống một cuộc sống chất lượng, cho dù nó có ngắn ngủi, hơn là ngồi tận hưởng tuổi già một cách thụ động để được coi là người sống thọ, chơi lâu, ăn nhiều và chết chậm.
Anh Thư