Sống cạnh mỏ đá, nơm nớp lo sập nhà

ANTĐ - Bụi phủ trắng sân vườn, tường nhà nứt toác, đá rơi bất thình lình… đó là những gì mà người dân thôn Làng Trên và Trán Voi, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã phải chịu từ nhiều năm nay do sống gần 2 mỏ đá. Điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù UBND thành phố đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý từ đầu năm 2016, nhưng đến thời điểm này tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục.

Vết nứt trên tường và viên đá rơi vào nhà ông Hiển do việc nổ mìn của các mỏ đá

Người dân cắn răng chịu đựng

 Năm 2007, theo sự vận động của các cơ quan chức năng, người dân xã Phú Mãn đã đồng tình cho một số doanh nghiệp vào khai thác đá tại 3 khu vực mỏ nằm trên địa bàn với hy vọng sẽ có thêm công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, thay vì được hưởng lợi và có điều kiện tăng thu nhập cũng như phát triển kinh tế thì họ lại phải hứng chịu đủ thứ phiền hà.

Ông Nguyễn Văn Bốn, trú tại thôn Trán Voi vừa hắt chậu nước lau nhà đục ngầu ra vườn vừa kể: “Từ sáng đến giờ tôi lau lần này là lần thứ ba. Nếu mở cửa thì có lẽ chỉ một tiếng đồng hồ là bụi sẽ phủ dày cả bàn ghế. Chúng tôi đã kêu về vấn đề ô nhiễm không khí ở đây nhiều lần, nhưng kêu mãi mà chẳng có ai giải quyết. Mang tiếng ở vùng núi, cứ tưởng được hưởng không khí trong lành, nhưng thực tế các hộ ở đây phải đóng cửa suốt ngày bởi nếu mở ra thì không thở nổi”.

Cách nhà ông Bốn khoảng 300m theo đường chim bay là một quả đồi - nơi đặt trạm nghiền đá của Công ty TNHH MTV khai thác mỏ. Trạm nghiền này gần như hoạt động suốt ngày và tạo ra những đám bụi mù mịt cùng với những âm thanh đinh tai nhức óc. Mỗi lần có gió, đám bụi ấy tỏa khắp xóm làng. Thế nhưng bụi chỉ là một phần nhỏ trong  những khó chịu mà người dân phải hứng chịu.

Ông Bốn kể: “Điều khiến người dân ở đây bức xúc nhất chính là tình trạng nổ mìn khai thác đá. Mỗi lần bên mỏ đánh mìn là nhà tôi cứ rung lên bần bật như có động đất. Nói các anh không tin, nhưng quả thực mìn nổ khiến cả cốc nước để trên bàn cũng sóng sánh. Dư chấn từ những vụ nổ mìn ấy đã khiến nhà tôi nứt toác nhiều chỗ.

Ban đầu chỉ là những vết nứt chân chim nhỏ trên tường, nhưng dần dần các vết nứt ngày một xé rộng ra theo tiến độ khai thác của mỏ và đến bây giờ nhà tôi đã nứt cả trần. Sau vài trận mưa, nước theo các vết nứt ngấm vào khiến hầu hết các bức tường loang lổ hệt tấm bản đồ”.

Tiếng ồn và bụi bặm từ các trạm nghiền đá vẫn ngày ngày đầu độc người dân xã Phú Mãn

Cũng trong tâm trạng bức xúc như ông Bốn, bà Trần Thị Oanh, cũng ở thôn Trán Voi cho biết: “Nhà tôi cách mỏ đá có 100m, không rõ bên đó họ đặt lượng thuốc nổ là bao nhiêu, nhưng tiếng mìn và chấn động của nó thì vô cùng lớn. Cách đây ít hôm, tôi suýt chết vì cả đám vữa trên trần nhà rơi xuống sau tiếng mìn nổ. Ngoài nứt nhà thì hầu như toàn bộ con tiện lan can trần thượng của tôi bằng xi măng cũng đều vỡ sạch”.

Nhà bà Oanh có 3 sào ruộng, nhưng 1 sào đã bị đá vụn và bùn từ mỏ đá trôi xuống vùi lấp. Đó là chưa kể những tiếng động nhức óc từ trạm nghiền mà nhà bà phải chịu đựng suốt ngày đêm. “Chúng tôi đã phản ánh tới chính quyền từ nhiều năm nay, nhưng ngoài việc mỏ đá hỗ trợ 3,4 triệu đồng cho diện tích ruộng bị lấp từ năm 2014 đến nay thì mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Không biết chúng tôi sẽ phải chịu đựng tình trạng này đến bao giờ?” - bà Oanh nói.

Địa phương bất lực

Trước phản ánh của người dân, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Chí Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn. Ông Bền thừa nhận, hiện trên địa bàn xã có 2 khu mỏ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép cho Công ty CP Vimeco và Công ty TNHH MTV khai thác mỏ (thuộc Công ty CP đầu tư XDGT Phương Thành). Các khu mỏ này chính là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng cho cư dân 2 thôn Trán Voi và Làng Trên.  

Ngoài ra, hiện nay UBND xã cũng đau đầu với nạn xe quá tải chuyên chở đá của các khu mỏ mà không có chế tài nào để xử lý. Theo ông Bền, trước đây các xe tải này đã từng phá nát con đường chạy qua trước trụ sở UBND xã khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn. Vì vậy vừa rồi thành phố đã cho trải nhựa lại. “Tuy nhiên, theo thiết kế thì con đường mới chỉ có thể chịu tải tối đa là 12 tấn, trong khi xe chở đá toàn loại 15-25 tấn.

Cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc đường mới sẽ thành đường cũ. Đầu năm chúng tôi đã phản ánh lên huyện và cấp trên cũng đã cử 1 trạm cân lưu động về lập chốt ở ngoài QL21. Lúc đó, tình trạng xe chở đá quá tải từ mỏ đã giảm hẳn, nhưng khi trạm cân rút đi thì mọi việc lại đâu vào đấy” - ông Bền nói.

Để hình dung rõ hơn về những bức xúc của dân cư địa phương, ông Bền cử cán bộ phụ trách môi trường của xã đưa phóng viên ANTĐ tới gặp ông  Bùi Văn Hiển ở thôn Làng Trên. Nhà ông Hiển nằm kẹp giữa khu mỏ của cả 2 công ty và thường xuyên bị đá từ các vụ nổ mìn rơi xuống.

Ông Hiển ngao ngán nói: “Bụi chúng tôi hít suốt ngày, còn đá rơi thì khỏi nói. Mái nhà tôi lợp tôn, mỗi khi bên mỏ đánh mìn là đá lại rơi rầm rầm như có mưa rào. Mới tuần trước, tôi còn bị 1 viên đá to xé rách mái rơi vào trong nhà phá thủng cả bàn uống nước. Kiến nghị mãi chẳng ăn thua, bây giờ cứ mỗi khi bên mỏ nổ mìn là cả nhà tôi phải đi… lánh nạn”.

Ông Hiển năm nay đã 70 tuổi, hôm chúng tôi đến, đúng lúc ông đang lúi húi dọn cơm. Chợt có tiếng “uỳnh” từ đâu vọng đến, như một phản xạ có điều kiện, ông Hiển bật dậy bỏ dở mâm cơm lao ra phía chuồng bò miệng la oai oái: “Ra ngoài… ra ngoài...”. Rồi vừa dắt bò vừa thúc chúng tôi chạy ra đầu ngõ, ông bảo: “Đấy là tiếng mìn báo hiệu, chỉ độ 10 phút nữa là bên mỏ sẽ đánh mìn phá đá. Mình cứ phải chạy ra đây nói chuyện cho an toàn. Ngồi trong nhà khéo có ngày chết oan”.