Số phận Rồng sau Đại lễ
(ANTĐ) - Cho đến nay, núi Nùng trong công viên Bách Thảo vẫn là chứng tích, chính danh hiển hiện giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội. Giữa vườn hoa trong công viên đặt một khu “vườn tượng” làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: xi măng, sắt thép…
Phần lớn là tượng Mo-dec làm theo lối ước lệ nên không ăn nhập với không gian nơi đây. Mảnh đất “vàng” này đã được quyết định làm nơi “tập kết” các loại rồng sau khi “Ngài” đã “hoàn thành sứ mệnh” tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nguyên trong khuôn viên đã có 2 đôi rồng cây xanh to và dài hàng chục mét được các nghệ nhân uốn tỉa công phu thành đôi rồng cây cảnh rất đẹp đang chầu phủ phục ở 2 bên tả, hữu của núi Nùng.
Không biết có phải tên cũ của núi Nùng là Long Đỗ, nơi rồng đậu hay rốn rồng không mà mới đây núi Nùng đã đón thêm một đôi rồng “nhựa” sau khi các “Ngài” đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang “chầu” tượng Lý Thái Tổ ở bờ hồ Hoàn Kiếm, đôi rồng nhựa to quá cỡ, không biết để đâu cho vừa nên đành mời các ngài “đỗ” ở chân núi Nùng.
Rồng gốm sứ, rồng cây cảnh, rồng hoa nhựa đang khiến cho Công viên Bách thảo bị “bội thực” rồng |
Ngay sau khi đôi rồng gốm sứ Bát Tràng của 2 nghệ nhân Lê Đức Kế và Nguyễn Văn Bình được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là đôi rồng gốm sứ lớn nhất Việt Nam, rồng kỷ lục đã bị sứt sẹo thân mình vì những kẻ vô lối cạy đĩa men ngọc về làm của riêng. Dẫu thương tích chưa lành, hai “Ngài” rồng sứ vẫn cần mẫn “chầu” nhau sát con đường nội bộ trong công viên vắng vẻ, cạnh núi Nùng.
Thiết nghĩ, đôi rồng gốm sứ Bát Tràng kỷ lục này nên được chọn đặt ở một vị trí thích hợp trên con đường gốm sứ ven sông Hồng sẽ phù hợp, vừa tô đậm, làm đẹp thêm con đường “kỷ lục thế giới” vừa để mọi người có điều kiện chiêm ngưỡng kỷ lục Việt Nam, một sản phẩm thể hiện tài năng của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.
Còn với đôi rồng “nhựa” kia, sau khi đã dùng “xong việc”, thì cũng nên “hóa” nó đi, không cần “tận dụng” để bày lại ở chân núi Nùng như hiện nay, rất khiên cưỡng và phản cảm.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh