Số phận những "trẻ vệ tinh" người Trung Quốc ở Mỹ

ANTD.VN - Họ sinh ra ở Mỹ và được các bậc cha mẹ nhập cư người Trung Quốc gửi về Trung Quốc sống với người thân cho đến khi đủ tuổi để trở lại Mỹ đi học. Những chấn thương tâm lý mà các em và chính cha mẹ các em phải trải qua có thể kéo dài trong nhiều năm.

Trẻ em chơi đùa tại Hội đồng Kế hoạch Trung Quốc-Mỹ ở New York

Khi cha, mẹ là người xa lạ

Lindy Tse không thể nào quên đêm đầu tiên khi một cặp vợ chồng đưa bé từ tỉnh Phúc Kiến trở lại Mỹ lúc 4 tuổi. Suốt đêm, bé chỉ dám khóc thầm vì không muốn gây cho họ bất kỳ rắc rối nào.

Họ là cha mẹ của bé, nhưng khi đó bé cứ nghĩ rằng họ hoàn toàn là người xa lạ. Cũng như Lindy, Tracy Lam vẫn nhớ như in cảm giác “xa lạ” khi bé được đưa từ Trung Quốc trở lại Mỹ lúc 5 tuổi. Bé không biết hai người lạ đang đứng trước mặt mình, mặc dù bé gọi họ là “mẹ” và “cha”.

Lindy và Tracy  (tên đã thay đổi) là những “trẻ vệ tinh” - tức những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ và là con của các cặp vợ chồng nhập cư người Trung Quốc nhưng không đủ khả năng chăm sóc con. Vì vậy, họ đã được gửi con về Trung Quốc khi còn nhỏ cho người thân, chủ yếu là ông bà nuôi nấng, và sẽ đưa con trở lại Mỹ đi học khi lên 5 hoặc 6 tuổi. 

Phải mất 1 năm để Lindy có thể nói chuyện với cha mình. “Tôi nghĩ đó là vì cả hai chúng tôi đã mất đi 4 năm có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ của chúng tôi”, Lindy hiện 16 tuổi cho biết. Trong khi đó, Tracy, 17 tuổi, chia sẻ: “Đôi khi tôi vẫn cảm thấy có sự xa cách giữa tôi và cha mẹ. Tôi chỉ không biết làm thế nào để thể hiện cảm xúc của tôi với họ”. 

Cũng như Lindy và Tracy, cha mẹ David Chen gửi cậu về tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc để nhờ ông bà nuôi hộ khi cậu chưa đầy 1 tuổi. Lúc 5 tuổi, cha mẹ đưa Chen trở lại Mỹ để đăng ký theo học tại một ngôi trường ở thành phố New York.

Chen cho biết, việc bị tách khỏi ông bà, những khó khăn trong việc học tiếng Anh và bị bắt nạt tại trường học khiến cậu từng có ý nghĩ tự tử khi học lớp ba. “Tôi đã phải kìm nén cảm xúc, tôi giữ tất cả mọi thứ trong lòng”, Chen, 24 tuổi và hiện là một sinh viên y khoa của trường Đại học Touro ở Middletown, New York tâm sự.

Cha mẹ của Chen đã làm việc tới 14 giờ mỗi ngày tại một số nhà hàng, và thường là 7 ngày 1 tuần. Suốt tuổi thơ, cậu không thể thể hiện cảm xúc hay suy nghĩ của mình với họ: “Họ là những người xa lạ với tôi, tôi giữ khoảng cách với họ...”. 

Khó hòa hợp khi đoàn tụ

Lois Lee là Giám đốc Hội đồng Kế hoạch Trung Quốc - Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận tại quận Queens ở thành phố New York, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và giúp trẻ vệ tinh điều chỉnh. Trong suốt 45 năm tại Hội đồng, bà đã làm việc với các gia đình nhập cư và giúp đỡ hàng nghìn trẻ em, bao gồm cả Lindy và Tracy.

Lee cho biết, hầu hết các bậc cha mẹ của trẻ vệ tinh tại New York làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày và không đủ khả năng chăm sóc con, thu nhập trung bình 14.144 USD mỗi năm. “Những cặp vợ chồng trẻ làm việc nhiều giờ với các công việc tại nhà hàng, tiệm nail, tiệm tạp hóa, tiệm giặt là, khách sạn, những công việc không ai muốn, nhưng họ không thể có được các dịch vụ chăm sóc trẻ để có thể giữ con ở đây”, Lee nói.

Bà cho biết, một cuộc đoàn tụ có thể là khó khăn đối với cả cha mẹ và con sau nhiều năm xa cách. “Họ không chứng kiến những bước đi đầu tiên của con mình. Họ không nghe thấy khi con cái họ bi bô tập nói. Họ mất 5 năm để được gắn kết với con mình”, Lee lý giải. 

Theo bà, ngay cả sau khi họ sống cùng nhau, các bậc cha mẹ không thể vừa thu xếp việc chăm sóc con vừa làm việc nhiều giờ với hy vọng có một tương lai tốt hơn cho gia đình. “Các bậc cha mẹ vẫn làm việc đến 9h tối và các em phải ăn tối một mình với thức ăn đã chuẩn bị sẵn”.

Các em sẽ tự hỏi: “Tại sao họ lại đưa tôi trở lại đây trong khi họ không thể dành nhiều thời gian với tôi”.  Những đứa trẻ này cảm thấy tội lỗi vì cha mẹ không thể chăm sóc chúng, chúng cảm thấy là một gánh nặng cho gia đình.

Lee cho biết, bà không mong đợi các bậc cha mẹ này tạo ra một bầu không khí gia đình như các gia đình kiểu Mỹ, như ăn tối với nhau hoặc thực hiện đầy đủ các thói quen khi đi ngủ, nhưng ít nhất, họ nên nói chuyện với con cái của họ và cố gắng hiểu nhau.