Sinh viên thực tập tại Singapore có bị bóc lột sức lao động?

ANTĐ - Trước thông tin phản ánh về tình trạng phải làm việc quá tải đến 12 tiếng/ngày, chủ yếu là đẩy xe lăn của một số sinh viên ĐH Ngoại thương đang thực tập tại Singapore, lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ trực tiếp sang tìm hiểu.

Thiếu thông tin khi nhận việc

Thực tập ở Singapore đang là đề tài “hot” trên các trang cá nhân của sinh viên ĐH Ngoại thương

Theo ông Vũ Hoàng Nam, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, chương trình “Internship - Singapore 2012” mà các sinh viên đang tham gia nhằm tạo cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế theo ký kết với Công ty Inter Island chuyên tuyển dụng lao động làm việc tại Singapore.

Theo đó, các sinh viên này đã ký hợp đồng lao động trực tiếp với công ty dựa trên thỏa thuận và quy định không làm việc quá 44 giờ/ tuần với mức lương 450 đô la Singapore và 70 đô la Singapore hỗ trợ phụ cấp với những công việc cụ thể. ĐH Ngoại thương đã đồng ý cho 48 sinh viên tham gia thực tập đợt 1 tại Singapore, trong đó 37 sinh viên làm cho Công ty SATS tại sân bay quốc tế Changgi. Đây chính là nơi một số sinh viên đã phản ánh bức xúc qua 2 tháng thực tập.

Theo sinh viên L.T.H, K46 - Kinh tế Đối ngoại thì thời gian làm việc hàng ngày của bạn thường xuyên kéo dài 12 tiếng, thậm chí là hơn. “Có những ngày em quá mệt mỏi nên phải nằm nghỉ tại sân bay chờ đến ca tiếp theo” - sinh viên này cho biết. Mặc dù theo nhà trường thì các sinh viên thực tập đều biết rõ công việc sẽ tham gia nhưng sinh viên này tỏ ra khá ngỡ ngàng khi phản ánh “công việc chính của chúng em ở đây là đi đẩy xe lăn... điều mà chúng em chưa từng nghĩ tới. Thậm chí, chúng em còn buộc phải giúp khách cởi quần đi vệ sinh”. Bên cạnh đó, một số phản ánh khác liên quan đến chuyện trả lương chậm và thiếu các phương tiện sinh hoạt hàng ngày của Inter Island. “Mới đây nhất là Inter Island có hẹn đến ngày 7-4 sẽ trả toàn bộ tiền trợ cấp của ba tháng 2, 3, 4, nhưng đến giờ vẫn chưa trả” - L.T.H. cho biết.

Cũng theo tâm sự của sinh viên L.T.H thì nhiều bạn có thất vọng thời gian đầu công việc không phải như mọi người vẫn nghĩ. H cho rằng có việc thiếu sót thông tin từ Việt Nam khiến cho sinh viên mình chịu thiệt thòi so với các sinh viên nước khác. H chia sẻ cho đến khi đi làm thì H không có mô tả công việc cụ thể và chỉ nắm trong tay một số thông tin về công ty mà mình sẽ làm việc từ một số bạn bè đang học ở Singapore.

Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Hương Ly thì khẳng định trên Facebook của mình rằng đang sống rất ổn. Sinh viên này cho biết đúng là có việc phải đẩy xe lăn nhưng còn nhiều việc khác nữa và thấy không có gì đáng phải xấu hổ vì công việc này cả. “Công việc thì việc nào cũng vất vả, dù là ở nhà hàng, khách sạn, cửa hàng hay sân bay để kiếm ra đồng tiền không phải là dễ dàng” - sinh viên này chia sẻ và khẳng định công việc không được như mong đợi ban đầu nhưng lại giúp các bạn trưởng thành hơn. 


Sớm giải quyết phản ánh của sinh viên

Trả lời báo chí, ông Vũ  Hoàng Nam cho biết, sau những thông tin nói trên, nhà trường đã phối hợp với các đối tác giải quyết ngay. Cụ thể, vấn đề thời gian làm việc có một số ca kéo dài từ 1h đến 9h sáng đã được bỏ đối với sinh viên ĐH Ngoại thương. Sinh viên cũng đều được công ty đưa đi làm và đón về sau khi các phương tiện công cộng tại Singapore hết thời gian hoạt động. Vấn đề thời gian nghỉ trưa cho riêng sinh viên ĐH Ngoại thương, ông Nam cho biết, đối tác đã đồng ý kéo dài hơn, phân bổ đúng vào giữa ca để các bạn cân bằng điều kiện sức khỏe. 

Vấn đề chậm tiền phụ cấp cũng đã được phía đối tác giải quyết, tiền phụ cấp hàng tháng đều sẽ được cố định gửi vào ngày 10 của tháng sau đó. Đối với những sinh viên ĐH Ngoại thương không muốn làm việc đối với bộ phận hỗ trợ đặc biệt tại sân bay sẽ được tạo điều kiện để chuyển sang các vị trí khác theo nguyện vọng của cá nhân.

Dù cho rằng những phản ánh này chỉ là nhỏ lẻ trong số gần 50 sinh viên đang thực tập, ông Vũ Hoàng Nam khẳng định: “Đầu tháng 5 này, chúng tôi sẽ sang Singapore tìm hiểu thực hư về những gì sinh viên đã phản ánh. Với những trường hợp sinh viên phải “cầu cứu” và cảm thấy quá vất vả, nếu có nhu cầu về Việt Nam thì nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện cho các bạn về”.