Sinh viên ngoại tỉnh: Gian nan “bám trụ” Thủ đô
(ANTĐ) - Cầm tấm bằng đại học trong tay đi gõ cửa các cơ quan, những sinh viên ngoại tỉnh mới ra trường quyết tâm bám trụ lại Hà Nội đang phải vật lộn với cuộc sống không còn “bao cấp” của gia đình. “Sống mòn”, “thất nghiệp” là những câu nói vui cửa miệng của sinh viên mới tốt nghiệp, nhưng đằng sau những câu nói ấy vẫn là sự nỗ lực không ngừng.
Tìm kiếm việc làm phù hợp tại Thủ đô, chuyện không đơn giản |
Gian nan tìm việc
Chưa tốt nghiệp, Minh Ngọc - sinh viên trường Đại học Ngoại thương đã được nhận vào làm tại một ngân hàng thương mại với mức lương khá cao. Trong kỳ thực tập, với nghiệp vụ được học trong trường và vốn ngoại ngữ tốt, Ngọc đã chứng tỏ được năng lực, ngân hàng ngay lập tức ký hợp đồng ngắn hạn. Sau khi được ký hợp đồng, cơ quan đã cử đi đào tạo nghiệp vụ tại TP.HCM trong vòng 1 tháng với cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tại ngân hàng. Những trường hợp như Ngọc không phải là nhiều.
Mới tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ, cầm tấm bằng đỏ trong tay nhưng Nga vẫn chưa biết nơi nào để nộp hồ sơ xin việc. Vốn là một cô gái nhút nhát, khi còn là sinh viên cũng chỉ biết tập trung vào học nên Nga không có các mối quan hệ chuẩn bị cho công việc khi ra trường. Về quê chơi được vài tuần cũng chán nên Nga lại xách balô “tiến về Thủ đô”. Dù chưa biết sẽ đi đâu về đâu nhưng nhìn bạn bè hăm hở bám trụ cô cũng không muốn quay về.
Nhưng phổ biến hơn cả với những sinh viên mới ra trường là làm cả chục bộ hồ sơ “rải thảm” sau đó chờ đợi gọi phỏng vấn. Nguyên giải thích: “Cơ hội dành cho những sinh viên mới ra trường không nhiều, lại là những người thiếu kinh nghiệm nên việc làm nhiều hồ sơ cũng là cách nhân lên cơ hội”. Có những ngày nhận được điện thoại gọi phỏng vấn của hai ba công ty cùng một lúc, riêng việc lựa chọn cũng đau cả đầu.
H.Hiếu - sinh viên chuyên ngành báo chí mới nhận bằng được hơn tháng, cả bố mẹ đều làm báo tại tỉnh nhà, điều kiện để xin việc không có gì khó khăn nhưng khi được hỏi ý kiến Hiếu vẫn nhất định trụ lại Thủ đô. “Mình mới ra trường, vẫn còn hăm hở với những chuyến đi, những con đường muốn đặt chân qua vẫn chưa thực hiện được, làm báo tại những trung tâm lớn mới mau trưởng thành. Bố mẹ cũng rất hiểu và động viên mình thực hiện những dự định đó”.
Gian nan trước thực tế
4 năm sống trong ký túc, Nguyên không phải lo lắng nhiều về tiền thuê nhà cũng như mọi chuyện ăn ở. Chỉ còn vài ngày nữa là hết hè nên sinh viên ra trường phải gấp gáp tìm nhà trọ. “Để có một chỗ ở ưng ý quả là không dễ dàng, chỗ tốt thì quá đắt, còn chỗ rẻ thì xập xệ ẩm thấp.
Tiền chi tiêu bị san sẻ sang khoản nhà trọ khiến những lo toan thêm nặng gánh. Chuyển ra ngoài ở cũng phát sinh thêm rất nhiều chi phí. Muốn nấu cơm cũng phải chi hàng trăm nghìn đồng để mua đồ dùng, không thứ gì là không phải rút hầu bao, từ bát đũa cho đến xoong chảo, nồi cơm điện...” - Nguyên tâm sự.
Giá xăng tăng cũng khiến cho cuộc sống của giới sinh viên mới ra trường thêm khó khăn. Những biện pháp đối phó cũng nhanh chóng được đề ra. Ngay buổi sáng ngày xăng tăng giá, Nam cùng nhóm bạn bàn đến chuyện nấu ăn chung. Ăn cơm bụi cũng phải 10 đến 15 nghìn một suất mà không đủ no, mua thức ăn về nấu, 3 người mỗi bữa ba chục nghìn, vừa rẻ lại sạch sẽ.
Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi cơ hội tìm việc tại Thủ đô, một trong những phương án là vay mượn bạn bè. Đầu tháng vay cuối tháng cố gắng “cày cuốc” để kiếm tiền trả nợ. M.Thùy được bạn cùng lớp nể phục với “thành tích” cắm bằng và giấy tờ xe máy đến hai chục lần. Đến lần thứ ba thì chủ quán cầm đồ đã quen mặt, chẳng phải viết phiếu gì cả, cuối tháng ra trả tiền thì lấy giấy tờ về.
M.Thùy kể: “Cắm giấy tờ với bằng xe máy giỏi lắm cũng được dăm trăm, bạn mình có người còn cắm cả bằng đại học. Cuối tháng không kiếm đủ tiền chuộc lại chạy vạy khắp bạn bè mới chuộc được bằng, nghĩ cũng vất nhưng vì tương lai thì cũng chẳng có cách nào khác”.
Chật vật với cuộc sống như vậy nhưng khi được hỏi ít có ai bày tỏ ý định sẽ về quê. “Về nhà thì không phải lo tiền thuê nhà, và những chi phí khác... nhưng xin việc cũng chẳng dễ dàng hơn chút nào. Về đồng nghĩa với việc từ bỏ nhiều cơ hội làm việc ở môi trường tốt. Cùng lớp với mình cũng có nhiều người về quê xong được vài tháng là lại khăn gói ra Hà Nội cả” - Thùy tâm sự.
Chuyện công việc và cuộc sống gây ra không ít áp lực tâm lý cho những tân cử nhân chân ướt chân ráo bước vào đời. Thùy nói: “Không có ai quan tâm cũng buồn, nhưng nhiều khi người thân bạn bè quan tâm hỏi về công việc ra sao lại thấy sợ. Đôi khi cũng phải tự động viên mình rằng mọi việc rồi sẽ ổn để rồi lại tiếp tục chiến đấu, tiếp tục thực hiện mơ ước”.
Anh Tú