Sinh lời trong thời khủng hoảng

ANTĐ - Trong giai đoạn khủng hoảng, câu hỏi lớn mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt là tìm kiếm nguồn vốn ở đâu? Phải chăng những cánh cửa đang dần khép lại? Doanh nghiệp phải làm gì? Cơ hội nào đang mở ra cho họ?

Cải tiến, hoàn thiện quy trình sản xuất là cách giúp doanh nghiệp vượt khó


Câu chuyện khát vốn

Sáng nay 16-12, tại buổi hội thảo “Nguồn vốn nào cho kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng”, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như chỉ ra những bước đi dành cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

TS. Võ Trí Thành chia sẻ kinh nghiệm huy động vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 11 đến nay, kinh tế vĩ mô đã đạt được một số thành tựu tích cực như lạm phát giảm, thâm hụt thương mại giảm đáng kể, cán cân thanh toán có thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng… Tuy nhiên nhìn lại một cách tổng thể vẫn còn nhiều yếu kém, thành quả đạt được còn hết sức mong manh. Bước sang năm 2012, chính sách vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục chặt chẽ.

Đầu tư nhà nước giảm, chính sách vĩ mô vẫn thắt chặt, vốn đầu tư nước ngoài khó khăn, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn … “Một số quỹ có tên tuổi ở Việt Nam mở rộng huy động vốn ở nước ngoài nhưng không thành công” - Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết. Như vậy trong năm 2012, không chỉ phải “vật lộn” với câu chuyện vĩ mô ngắn hạn mà còn phải đối mặt với vấn đề tái cấu trúc.

Bên cạnh tình hình chung thì còn có câu chuyện về vốn đối với doanh nghiệp. Có 4 vấn đề được đặt ra là: Câu hỏi thứ nhất là nguồn vốn có nhiều không? Nguồn vốn đang ở đâu? Vốn đang muốn chảy vào đâu? Làm gì để nguồn vốn tìm đến?

Trong đó, doanh nghiệp cần biết lĩnh vực nào đang thu hút nguồn vốn. Doanh nghiệp có thể quan sát được lĩnh vực nào đang gia tăng. Năm 2012 sẽ là năm của nghệ thuật điều hành chính sách vĩ mô, trong đó chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ nhưng rất linh hoạt để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tổng cung tín dụng sẽ không đặt một mức cụ thể mà phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Khác hẳn mọi năm các ngân hàng sẽ không bị áp một mức nhất định mà dựa vào mức độ rủi ro, khả năng huy động, mức tăng tín dụng của năm 2011 của mỗi ngân hàng để xác định mức tăng tín dụng cho từng ngân hàng. Một trong những vấn đề điều hành linh hoạt nữa là lựa chọn lĩnh vực để khuyến khích tín dụng. Như vậy, doanh nghiệp cần xác định đâu là đối tượng cần tăng cường quan hệ.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Ông Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đám phán WTO của Việt Nam, đã chia sẻ: “Điều trước tiên các doanh nghiệp nên làm khi khủng hoảng là xem xét lại toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, xác định lại nên cắt giảm, giữ lại hay bán đi bộ phận, đơn vị nào”.

Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhưng với khó khăn vừa qua đã có 50.000 doanh nghiệp phải đóng cửa. Sau 1 năm cố gồng lên chống đỡ, có thể năm 2012 sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không thể chịu đựng thêm được và phải chấp nhận đóng cửa, tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Ông Tự khuyến cáo, doanh nghiệp cũng phải cân đối lại nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp phát triển tăng trưởng quá nhanh. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không có quản lý rủi ro. “Tôi tham gia vào quản trị ngân hàng ACB, và sở dĩ họ giữ được ổn định là do có bộ phận quản lý rủi ro tốt. Nợ xấu không vượt 1%. Quản lý rủi ro rất quan trọng, nó đi theo sự phát triển của doanh nghiệp” - ông Tự nói.

Tiếp đến là xem lại quá trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp tồn kho nhiều, dẫn đến đọng vốn. Thị trường khó khăn cũng là lúc các doanh nghiệp nên tận dụng tái cơ cấu lại, giảm bớt việc, đào tạo lại đội ngũ nhân viên. Chờ thị trường đi lên để chớp cơ hội. Cần tăng vòng quay vốn lên nhanh hơn nữa. Khi thị trường chững lại quan trọng hàng bán càng nhanh càng tốt và điều này dựa vào khả năng dự báo của người làm kinh doanh.

Trong bối cảnh như hiện nay thì các doanh nghiệp phải tính đến chuyện mở rộng ra bên ngoài. Ví dụ một số doanh nghiệp cà phê, vay ngân hàng trong nước hết hạn mức đã lập văn phòng đại diện ở Singapore để vay vốn với lãi suất thấp hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tính đến là cơ cấu lại vốn vay ngân hàng. Nếu khoản vay quá hạn thì lãi suất bằng 150% lãi suất hợp đồng do đó phải cơ cấu lại vốn. Thực chất đây là đảo nợ khi doanh nghiệp tìm kiếm nguồn để nộp vào khoản vay cũ. Ông Tự cho rằng: “ Theo tôi nếu tình hình sắp tới không sáng sủa thì các ngân hàng cũng phải tính tới vấn đề này. Dù muốn hay không vẫn phải giãn nợ. Vì nếu không nuôi dưỡng được các nhà sản xuất kinh doanh thì ngân hàng không còn bạn, không còn khách hàng”.

Khủng hoảng cũng là cơ hội mua lại các công ty với giá thấp thậm chí chỉ bằng 50% trước kia, đây là sẽ là cơ hội để phát triển cho những doanh nghiệp có tiềm lực và có tầm nhìn. “Trong lúc này các doanh nghiệp càng phải đẩy mạnh liên kết với nhau để tạo vốn, tạo thị trường. Nếu bỏ nhau trong những thời điểm thế này sẽ mất thị trường, mất cơ hội”, ông Tự nhấn mạnh.