Sinh con để... dự phòng (!?)
(ANTĐ) - Từ đầu năm 2008 đến nay, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) trên địa bàn Hà Nội được duy trì và triển khai khá quyết liệt, song hiệu quả đem lại chưa thực sự rõ nét. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc công tác tuyên truyền, vận động DS - KHHGĐ Thủ đô phải có sự chuyển hướng cho phù hợp với đặc thù dân cư trong thời kỳ mới.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng cao
Theo số liệu thống kê của Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2008 này, toàn thành phố có thêm 23.997 trẻ, tăng 3.438 trẻ so với cùng kỳ năm trước; trong đó có tới 912 trẻ là con thứ 3, tăng 85 trẻ so với cùng kỳ năm 2007. Không chỉ các huyện ngoại thành mà ở ngay những quận nội thành, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên cũng như tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2007.
Nếu như tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên có thể phân tích trên nhiều khía cạnh do Hà Nội là một đô thị có sự biến động dân cư lớn, thì với tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 tăng cao cho thấy, công tác DS - KHHGĐ Thủ đô thời gian vừa qua không thực sự đạt hiệu quả. Theo ước tính trong 6 tháng đầu năm, số trẻ mới sinh là con thứ 3 tăng khoảng 91 cháu, trong khi đó cả năm 2003, toàn thành phố cũng chỉ có thêm 105 trẻ là con thứ 3. Cụ thể, tính đến hết tháng 5-2008, toàn huyện Đông Anh có 237 trường hợp sinh con thứ 3, tăng 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2007; huyện Sóc Sơn có 235 trường hợp; quận Hoàng Mai có 38 trường hợp, tăng 11 trường hợp; đặc biệt là quận Đống Đa tăng hơn đến 19 trường hợp.
Nhiều quan niệm lệch lạc
Chăm sóc trẻ sơ sinh |
Tại Đông Anh, Sóc Sơn - 2 huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất thành phố - nhiều người dân quan niệm rất “ngây thơ” rằng: “Chúng tôi tưởng giải thể UB Dân số thì có nghĩa là công tác này đã hoàn thành, người dân lại được đẻ tự do”. Tư tưởng thích đông con, nhiều cháu, đặc biệt là quan niệm có con trai để nối dõi tông đường vẫn rất phổ biến ở nơi đây. Huyện Đông Anh từ đầu năm đến nay có 3 đảng viên sinh con thứ 3, điểm chung ở họ là cả 3 gia đình này đều đã sinh 2 con gái trước đó. Hay ở xã Bắc Sơn (Sóc Sơn), một xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thường xuyên xảy ra tình trạng cán bộ dân số xuống vận động bị người dân phản ứng “xuống làm gì mà nhiều thế”?
Khác với Đông Anh, Sóc Sơn, tại các quận nội thành hoặc các khu công nghiệp hóa, đời sống kinh tế xã hội cũng như trình độ, nhận thức của người dân cao hơn nhiều. Lý do dẫn đến tình trạng dân số gia tăng mạnh, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao ở các khu vực này lại xuất phát từ chính những điều kiện đó. Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Dân số - Gia đình - Trẻ em xã Cổ Nhuế (Từ Liêm) cho biết: Hầu hết các hộ sinh con thứ 3 trên địa bàn là những hộ có kinh tế khá giả, giàu có. Những hộ này thường có tư tưởng “mình giàu rồi thì cứ sinh thoải mái, chẳng phải lo lắng gì”. Tương tự, ở Đống Đa, Thanh Xuân - những quận có mức tăng dân số cao - cũng có tình trạng như vậy.
Một điều đặc biệt hơn là ở hầu hết các quận, huyện trong thành phố, những năm gần đây bắt đầu xuất hiện tư tưởng “đẻ để dự phòng”. Bà Hoàng Diệu Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội cho biết, ngày càng có nhiều người dân cho rằng cần phải sinh đông con để “chẳng may có đứa gặp rủi ro”. Những tư tưởng này nếu không được giáo dục định hướng ngay thì sẽ càng ngày càng phổ biến.
Tiến Hưng