Siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM:
(ANTĐ) - Chiều qua, 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng ý chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc song vẫn băn khoăn, lo lắng về tính khả thi, hiệu quả kinh tế cũng như nguồn vốn đầu tư cho siêu dự án này.
Nếu buộc ngân sách Nhà nước chịu hết thì không biết tới bao giờ mới trả hết nợ đã vay để làm dự án Đại biểu Phạm Thị Loan |
Quyết làm nhưng vẫn lo gánh nặng nợ
Thống nhất với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP Hà Nội nói: “Dự án không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông hay kinh tế mà còn có lợi về an ninh, quốc phòng. Nếu tuyến giao thông này hoạt động, sẽ giãn được lưu lượng giao thông đường bộ, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường cũng như số vụ tai nạn giao thông trên trục Bắc - Nam”. Ông Nguyễn Đức Nhanh cũng cho rằng, phân kỳ đầu tư như Chính phủ đề xuất là phù hợp và nên ưu tiên làm trước đoạn Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang. “Nếu đi từ Hà Nội tới Vinh chỉ hết 1h thì người dân chắc chắn sẽ sử dụng rất nhiều” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh dự báo. Cùng quan điểm, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói: “Bây giờ mới nghĩ tới đường sắt cao tốc đã là muộn. Giao thông Bắc - Nam bức thiết như thế mà đường sắt gần trăm năm qua hầu như chưa có thay đổi lớn gì...”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào |
Tuy đa số đồng ý với việc xây dựng dự án này song nhiều ĐBQH cũng tỏ ra băn khoăn về nhiều vấn đề liên quan. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) hỏi: “Chính phủ đã tính toán kỹ nhu cầu vận tải đường sắt trên toàn tuyến chưa? Đã cân đối với đường bộ, đường không chưa? Tôi thấy đường 1B làm xong rất vắng người qua lại...”. Ông Chu Sơn Hà đề nghị trưng cầu dân ý về dự án này. Quan tâm tới nguồn vốn đầu tư, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tính toán: “Cộng thêm một số dự án giao thông lớn thì từ nay tới 2020, mỗi năm, sẽ chi khoảng 8 tỷ USD cho giao thông. Đây là băn khoăn lớn ở thời điểm này”. Nhấn mạnh “chưa từng nghe dự án đường sắt nào có số vốn lớn như vậy”, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: “Giữa mong muốn và nguồn lực để đầu tư đang có độ vênh lớn.
Thêm nữa, một dự án thường cũng phải mất từ 1,5 - 2,5 năm làm thủ tục đầu tư. Dự án này lớn như vậy, hiện mới ở giai đoạn tiền khả thi mà đề xuất khởi công vào năm 2012 thì có gấp gáp quá không?”. ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) bổ sung: “Cử tri rất băn khoăn bởi tổng vốn dự án cực lớn, lên tới 55,8 tỷ USD. Thời gian đầu tư lại kéo dài, thu hồi vốn mất tới 45 năm. Gánh nặng tài chính e vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế”. ĐB Phạm Thị Loan tiếp lời: “Chính phủ phải xem xét lại phương án huy động vốn. Nếu buộc ngân sách Nhà nước chịu hết thì không biết tới bao giờ mới trả hết nợ”.
Có quan điểm ngược lại, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) lên tiếng: “Làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là hướng tới tương lai lâu dài nên không thể tính rõ lãi hay lỗ, bao giờ thu hồi được vốn. Nếu cứ lo gánh nặng tài chính quốc gia thì chẳng làm gì được”.
Vẫn giữ lãi suất cơ bản
Đại biểu Trần Du Lịch |
Cũng trong ngày 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Vấn đề giữ hay bỏ lãi suất cơ bản (LSCB) tiếp tục là chủ đề tranh luận chính trong suốt sáng qua. Phần lớn các ĐBQH đều đồng ý với tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ nguyên LSCB vì cho rằng LSCB là công cụ cần thiết để điều chỉnh mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và là cơ sở để ngăn chặn, xử lý các trường hợp cho vay nặng lãi theo Bộ luật Dân sự (không được cho vay quá 150% LSCB - PV). ĐB Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm UB Tư pháp nói: “LSCB nhằm ngăn ngừa việc người nắm giữ tiền trong xã hội lợi dụng những lúc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân khó khăn về tiền mặt thì đòi hỏi mức lãi suất cao ngất ngưởng mà năm 2008 đã xảy ra tình trạng này rồi”.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu lại cho rằng, cần bỏ LSCB để đạt được tính thị trường. ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nói, thị trường vừa qua không phải được điều tiết bằng LSCB mà bằng công cụ khác. Muốn hình thành nền kinh tế thị trường, các tổ chức tín dụng cũng phải theo quy tắc thị trường, tức là thực hiện lãi suất thỏa thuận. Việc bỏ LSCB không bị ràng buộc bởi Bộ luật Dân sự vì Điều 12 đã quy định: “Trong điều kiện thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và khách hàng, các quan hệ tín dụng khác”.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên “chốt” lại vấn đề không bỏ LSCB và LSCB phải hiểu đúng nội hàm bao gồm nhiều lãi suất khác nhau, trong đó có một loại lãi suất chủ đạo. Dự án Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi) sẽ được QH thông qua tại phiên họp sau. Những nội dung quan trọng chưa thống nhất sẽ gửi phiếu lấy ý kiến các ĐBQH.
Chính Trung