Siết quản lý thay vì hạn chế sở hữu xe máy

ANTĐ - Liên quan tới chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy, nhiều ý kiến cho rằng, nên chú trọng quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu. Bởi xe máy sẽ vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Việt Nam trong nhiều năm tới.

Siết quản lý thay vì hạn chế sở hữu xe máy ảnh 1Hướng tới sử dụng xe máy an toàn hơn là quản lý sở hữu

85% phương tiện là xe máy

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm trên 85% tổng phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước. Cùng với những ưu điểm như linh hoạt, giá thành rẻ, xe máy cũng đứng đầu về nguy cơ TNGT. Cụ thể, TNGT đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn đường bộ. Dù là phương tiện đi lại phổ biến ở Việt Nam nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB),  quy định về việc quản lý phương tiện này của chính quyền các thành phố còn hạn chế. 

Thời gian qua, cơ quan quản lý đã và đang loay hoay với bài toán hạn chế phương tiện cá nhân theo lộ trình, trong đó nhấn mạnh vào xe máy. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, lâu nay, chúng ta vẫn tiếp cận xe máy dưới góc độ tiêu cực, nên người dân thường hiểu rằng, cơ quan quản lý Nhà nước không quản được thì cấm. Nghiên cứu của WB đã chỉ ra rằng, thay vì quản lý sở hữu xe máy, các chính sách nên hướng tới quản lý sử dụng sao cho an toàn.

Theo nghiên cứu của WB, hiện tỷ lệ sở hữu xe máy trung bình ở Hà Nội là 610 xe/1.000 người và dự báo tăng lên mức 700 xe/1.000 người vào năm 2018. Thậm chí, con số này có thể đạt đến mức bão hòa, tức là mỗi người đủ năng lực đều có ít nhất 1 chiếc xe. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu ô tô trên địa bàn Hà Nội hiện ở mức 36 xe/1.000 người và tỷ lệ này đang tăng lên rất nhanh, gấp đôi so với tỷ lệ tăng sở hữu của xe máy.

Ông David Spice – Trưởng đoàn nghiên cứu của WB dự báo, từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN được dỡ bỏ hoàn toàn, tỷ lệ này sẽ còn tăng lên nhanh chóng. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Khuất Việt Hùng lo ngại: “1 ô tô chiếm diện tích đường bằng 7 chiếc xe máy. Như vậy, cần có chính sách thật thận trọng, kỹ lưỡng để không bùng nổ quá nhanh sở hữu ô tô khiến cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp. Chỉ cần hình dung số lượng ô tô ở Hà Nội và TP.HCM gia tăng gấp đôi hiện nay sẽ thấy hậu quả như thế nào”.

Nên hướng tới sử dụng xe máy an toàn

Theo ông David Spice, nghiên cứu của WB cho thấy, phần lớn người dân sẵn sàng chuyển sang một phương thức vận tải khác, an toàn hơn như vận tải công cộng. Tuy nhiên, vận tải khách công cộng hiện nay ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như chất lượng, không kết nối đồng bộ với các phương tiện khác nên tính linh hoạt chưa cao. Do vậy, xe máy trong tương lai gần vẫn sẽ là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân các TP lớn ở Việt Nam. 

Nhóm nghiên cứu của WB đã đưa một số giải pháp nhằm hướng tới sử dụng xe máy an toàn và “đánh” vào hành vi sử dụng của người dân. Cụ thể như, nên chuyển từ những loại phí cố định như phí sử dụng đường sang các loại phí thay đổi theo mức độ sử dụng phương tiện; giảm việc mở rộng đỗ xe trên vỉa hè, vừa cải thiện không gian cho người đi bộ, vừa khiến người dân tính toán lựa chọn phương tiện đi lại; thay đổi các quy định về phí đỗ xe, cho phép tính theo thời gian đỗ xe… “Tuy nhiên, vận tải khách công cộng cũng phải phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, ông David Spice nói.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, với dự báo xe máy vẫn là phương tiện sử dụng chủ yếu của người dân đô thị trong nhiều năm tới, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đặt vấn đề với Hiệp hội sản xuất xe máy Việt Nam cần nâng cao chất lượng môi trường xe máy. Vì tham gia giao thông bằng xe máy là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh phổi ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. “Chúng tôi đã đề nghị các công ty xe máy ở Việt Nam nên nghiên cứu xe máy thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và an toàn nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu toàn cầu về xe máy thân thiện, an toàn với môi trường” - ông Khuất Việt Hùng cho biết.