“Siết chặt”... tiền tệ
(ANTĐ) - Trong lịch sử nền kinh tế nước ta chưa từng thấy hiện tượng thị trường tiền tệ “nóng bỏng” như bây giờ, vốn tiền đồng khan hiếm kỷ lục. Trên thị trường liên ngân hàng, hầu như chỉ thấy người vay, vắng bặt người cho vay, lãi suất được đẩy lên đến mức chóng mặt.
Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định 346 về việc phát hành tín phiếu bằng tiền đồng dưới hình thức bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Đây rõ ràng là một biện pháp nằm trong gói giải pháp thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của Chính phủ, bên cạnh các “liều thuốc đắng” tăng dự trữ bắt buộc, điều chỉnh các loại lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn đã được áp dụng.
Kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng lạm phát cao và đứng trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, nhiều nước đứng trước lựa chọn cực kỳ khó khăn: tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay giảm lãi suất để kích thích kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn giải pháp thắt chặt đến mức “siết chặt” tiền tệ theo hướng đi của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Chống lạm phát bằng mọi giá gần như là mục tiêu được Chính phủ ưu tiên nhất. Vậy những hệ quả và hệ lụy của chính sách siết chặt tiền tệ để chống lạm phát là gì? Nguy cơ “đóng băng” đã được các ngân hàng thương mại cảnh báo sau khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt tiền tệ. Nếu “đóng băng” kéo dài, trước mắt sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp do khó vay vốn, lãi suất vay cao hơn, có thể dẫn đến trì trệ đầu tư vì tiền gửi ngân hàng mang lợi nhiều hơn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Hậu quả cuối cùng là công ăn việc làm ít đi, tăng trưởng kinh tế chậm lại, suy thoái kinh tế sẽ nặng nề hơn. Thắt chặt, siết chặt tiền tệ sẽ tiếp thêm “năng lượng” cho cuộc chạy đua lãi suất. Ngay từ tháng 1-2008, tình hình vốn tiền đồng của các ngân hàng đã rất căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng có lúc lên đến 25%. Nhiều ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất tăng cao tới 2-3% trong một tháng.
Cuộc đua này khiến nhiều người trở nên “mặn mà” với việc đem tiền gửi ngân hàng, trong khi thị trường chứng khoán “đỏ sàn”, còn thị trường bất động sản như bong bóng sắp nổ tung. Lúc này ai dám liều mạng ôm tiền đi mua nhà, đất.
Mục tiêu đặt ra phải kiềm chế lạm phát nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế 9% trong năm 2008, hạn chế tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản, hỗ trợ thị trường chứng khoán đã được Chính phủ thể hiện quyết tâm cao, song các công cụ can thiệp phải theo cơ chế thị trường, chứ không thể “cưỡng bức” theo mệnh lệnh hành chính, gây “sốc” cho thị trường.
Nguy hiểm hơn là tình trạng “đóng băng” trên thị trường tiền tệ đã và đang tạo ra những nguy cơ nhãn tiền cho nền kinh tế. Đã xuất hiện tình trạng “đục nước béo cò” nhân chủ trương thắt chặt tiền tệ để hưởng lợi. Một số doanh nghiệp có nhiều vốn gây sức ép với ngân hàng để tăng lãi suất. Một số khác dù đến hạn trả nợ nhưng vẫn “cố thủ”, chấp nhận chịu lãi. Ngân hàng thì lấy cớ thiếu tiền đồng để tăng lãi suất cho vay, thậm chí nhiều ngân hàng ém vốn.
Chống lạm phát là việc “nước sôi lửa bỏng” không thể khoanh tay ngồi nhìn, nhưng có lẽ phải tính tới cái giá quá đắt phải trả. Có ý kiến cho rằng, “liều thuốc” chống lạm phát quá mạnh khiến cho “cơ thể” kinh tế... sốc thuốc. Những năm cuối thập niên 1980 đã từng diễn ra tình trạng “sốc thuốc” như vậy.
“Siết chặt” tiền tệ cũng đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro suy giảm tăng trưởng, đồng tiền tăng giá... Chấp nhận rủi ro lớn, tức là phải trả giá lớn, nhưng liệu có mang lại lợi ích lớn, lâu dài và toàn vẹn cho đại bộ phận nhân dân?
Đan Thanh