Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm vùng biên

ANTĐ - Nhận rõ tình hình buôn lậu các thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ thâm nhập vào thị trường nước ta với khối lượng lớn trong dịp Tết Trung thu, lực lượng cảnh sát môi trường đã tăng cường kiểm tra tại các tuyến giao thông trọng điểm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn.

Thực phẩm "vượt biên"

Tình trạng nhập lậu các loại hàng hóa nói chung và các mặt hàng thực phẩm, gia súc, gia cầm nói riêng tại các tỉnh biên giới phía Bắc đang diễn ra hết sức phức tạp, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49, các địa bàn "nóng" gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Trong đó, Quảng Ninh và Lạng Sơn là hai địa bàn phức tạp nhất.

Quảng Ninh là địa bàn tiếp giáp với Trung Quốc với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, các cửa khẩu quốc gia Hoàng Mô, Bắc Phong Sinh, các điểm thông quan Lục Lẩm, Ka Long, Bắc Luân... khu chuyển tải Vạn Gia và hàng chục điểm mở tại đường biên. Các mặt hàng thực phẩm nhập lậu vận chuyển vào nội địa tiêu thụ chủ yếu gồm: Gà thải loại, gà vịt giống, lợn, nội tạng, thịt động vật, trứng, cá mực tôm, bánh kẹo, đồ uống.... Tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội, tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn và tuyến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội tình trạng nhập lậu cũng "nóng" tương tự.

Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng C49 cho biết, vấn đề bức xúc trong thời gian qua là tình trạng tạm nhập tái xuất các mặt hàng thực phẩm đông lạnh qua cảng Hải Phòng sau đó tái xuất đi Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng. Vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này là không tái xuất hàng hóa đúng thời gian quy định, hàng hóa tồn đọng với số lượng lớn gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Báo cáo mới nhất của PC49 các địa phương cho thấy, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 940 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm trên các tuyến giao thông. Đây là những sản phẩm được nhập lậu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch nên không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ, xử lý tổng số 267 vụ, 275 đối tượng. Trong đó đã khởi tố 3 vụ và xử lý hành chính 264 vụ. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng PC 49 Quảng Ninh, tình trạng thực phẩm nhập lậu tại Quảng Ninh còn nhiều khó khăn, vướng mắc do cảnh sát môi trường không được phép kiểm tra trên các phương tiện giao thông. Mặt khác, nếu không phối hợp với cảnh sát giao thông, Chi cục Quản lý thị trường hoặc hải quan sẽ rất khó khăn khi kiểm tra, bởi các đối tượng vận chuyển hết sức manh động sẵn sàng chống đối lại lực lượng kiểm tra.

Nhập nhèm thật - giả

"Đến hẹn lại lên", cứ mỗi độ đến Tết Trung thu vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm lại càng trở nên "nóng bỏng", thời sự. Chỉ với vài chục nghìn để nhập lậu vỏ, nhân, bột bánh Trung thu, các đối tượng sản xuất bánh Trung thu giả có thể sản xuất thành 1 chiếc bánh Trung thu bán ra thị trường với giá "cắt cổ".

Nhìn những chiếc bánh thơm ngon, mấy ai biết được trong đó là nhân bánh làm bằng nguyên liệu nhập lậu hay nhân bánh được làm bằng nguyên liệu trong nước. Với mục đích này, người sản xuất có thể dùng khá nhiều cách khác nhau, không chỉ là dùng nhân bánh nhập lậu giá rẻ, hoặc dùng nguyên liệu phế phẩm mà còn có thể trộn nhân với bột, chất tạo ngọt không được phép sử dụng trong thực phẩm. Nguy hại hơn, trong nhân bánh làm sẵn thường sử dụng hương liệu, chất điều vị, chất bảo quản độc hại, chất chống mốc. Đây đều là những loại hóa chất rất nguy hiểm cho sức khỏe con người, nếu không được kiểm soát chặt chẽ về định lượng sử dụng.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49 cho biết, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc để thuê vận chuyển hàng hóa với số lượng nhỏ lẻ, dùng phương tiện thô sơ, xe ba bánh để vận chuyển từ biên giới vào nội địa. Các tuyến vận chuyển hàng thực phẩm, nhân bánh Trung thu nhập lậu chủ yếu qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Mới đây, tối 23/8, C49 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 và Đội Cảnh sát kinh tế, CA quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ 50.000 quả trứng muối, 100 thùng (ước lượng khoảng 2 tấn - PV) nhân làm bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, nhãn mác, phiếu kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm. Số hàng này đang được ô tô mang biển kiểm soát 30U-0078 chở đến cơ sở sản xuất bánh Trung thu ở số 523 Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Nếu vận chuyển trót lọt, số hàng này sẽ được giao cho các cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại Hà Nội. Loại nhân bánh chế biến sẵn của Trung Quốc này có giá rất rẻ, từ 40.000 - 45.000đ/kg, cá biệt có nhân bánh thập cẩm giá từ 56.000 - 60.000đ/kg. Trong khi đó để làm 1kg nhân bánh theo phương pháp cổ truyền thì giá phải từ 120.000-140.000đ/kg".

Không chỉ năm nay, năm 2010, C49 cũng phát hiện và bắt giữ khối lượng lớn nhân bánh Trung thu không rõ nguồn gốc từ nước ngoài tuồn vào nước ta. Loại nhân này đã được cắt ra từng miếng, kể cả mỡ, đậu xanh được nhập từ Trung Quốc và có ghi trên bao bì bảo quản đến 3 tháng. Hiện nay, kiểu bánh Trung thu "treo đầu dê bán thịt chó" tức là vỏ bánh được mua bên kia biên giới còn nhân thì không rõ nguồn gốc được bày bán luồn lách trên thị trường.

C49 cảnh báo, nếu không kiểm soát chặt chẽ hàng trăm tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ tràn vào thị trường nước ta. Điều này vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở sản xuất có uy tín trong nước, vừa gây nguy hại khôn lường đến sức khỏe người tiêu dùng.