Nghị quyết số 18 của Đảng ủy CATP Hà Nội về “Tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong Công an thành phố Hà Nội” (3):

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương để tạo nên sức mạnh của tổ chức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 18 của Đảng ủy CATP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP nhấn mạnh: Tăng cường quản lý phòng ngừa CBCS, xử lý nghiêm minh CBCS sai phạm (trong đó có nội dung siết chặt kỷ luật, kỷ cương) là tạo nên sức mạnh của tổ chức.

Phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng ở từng đơn vị

Một trong những tồn tại trong CATP Hà Nội thời gian qua đã được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP chỉ rõ, đó là công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu tính chủ động phòng ngừa. Công tác nắm tình hình còn yếu, thiếu tính cảnh báo từ xa, từ sớm. Nội dung quản lý, biện pháp và trách nhiệm trong công tác quản lý CBCS còn chưa được xác định rõ ràng cụ thể. Công tác xử lý cán bộ chưa đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời; còn tình trạng xử lý “nhẹ trên, nặng dưới”, xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ sai phạm.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội động viên, kiểm tra các chiến sĩ làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự SEA Games 31 tại khu vực Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội động viên, kiểm tra các chiến sĩ làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự SEA Games 31 tại khu vực Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội

Cùng với đó, vai trò, chất lượng hiệu quả công tác của các cơ quan tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Mối quan hệ phối hợp của các cơ quan quản lý cán bộ, thanh tra, kiểm tra thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả trong việc trao đổi thông tin và xử lý cán bộ. Công tác tự kiểm tra của các đơn vị để phòng ngừa sai phạm chưa được coi trọng, hiệu quả phòng ngừa chưa cao.

“Xác định tăng cường quản lý phòng ngừa CBCS, xử lý nghiêm minh CBCS sai phạm (trong đó có nội dung siết chặt kỷ luật, kỷ cương) là tạo nên sức mạnh của tổ chức, sự hoàn thiện và thành công của mỗi cá nhân là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, lực lượng Công an Thủ đô thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 18. Ở đây, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu; sử dụng cán bộ phải đi đôi với quản lý cán bộ, cấp sử dụng phải trực tiếp quản lý cán bộ dưới quyền.

Một trong nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng mà Nghị quyết số 18 đặt ra là phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng ở từng đơn vị trong công tác quản lý chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tích cực phòng ngừa CBCS sai phạm. Theo đó, từng cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phải quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt chế độ, chính sách, động viên, khích lệ CBCS trong đơn vị; phải đặt quyền và lợi ích chính đáng của CBCS lên hàng đầu, xác định “CBCS là chủ thể, là trung tâm, là đối tượng chăm lo”, xóa bỏ tình trạng “công thì lãnh đạo hưởng, tội thì cán bộ chịu” hoặc xử lý “trên nhẹ, dưới nặng”.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội thăm, động viên Thượng úy Lê Thanh Tuấn, cán bộ Trung đoàn CCSĐ bị thương khi làm nhiệm vụ

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội thăm, động viên Thượng úy Lê Thanh Tuấn, cán bộ Trung đoàn CCSĐ bị thương khi làm nhiệm vụ

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ theo hệ lực lượng và công tác thanh tra, kiểm tra (của các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra Đảng) kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, gắn với công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cấp trên đối với cấp dưới. Các phòng, các đội có chức năng quản lý chuyên ngành phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện của các đơn vị cấp dưới theo tinh thần “cầm tay chỉ việc”; kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, yếu kém và ghi nhận những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện từng chuyên đề, kế hoạch công tác để đề ra các biện pháp, giải pháp khắc phục, chấn chỉnh; không để tình trạng sai sót, sai phạm, vi phạm xảy ra một cách phổ biến, có hệ thống mà không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Đảng ủy CATP xác định phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm của các đơn vị thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn CATP. Phải đảm bảo sự liên thông, đồng bộ giữa công tác thanh tra, kiểm tra và công tác xử lý sai phạm; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ kiểm tra; nghiên cứu, xây dựng quy định của CATP về việc xác định trách nhiệm, xử lý trách nhiệm cá nhân đối với các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, chú trọng công tác tự thanh tra, kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, đơn vị cơ sở để kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa những sai phạm ở đơn vị mình, chấn chỉnh ngay từ khi mới manh nha, không để khuyết điểm, sai phạm nhỏ tích tụ, chuyển hóa thành khuyết điểm, sai phạm lớn. Điều quan trọng nữa là xây dựng quy chế và làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra, điều tra, các đơn vị nghiệp vụ, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý CBCS sai phạm.

Cùng với việc thực hiện tốt công tác dự báo, nhận diện các nguy cơ sai phạm để chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa; các đơn vị thanh tra, kiểm tra sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra ở một đơn vị hoặc một số đơn vị phải có thông báo chung trong toàn CATP về tình hình sai phạm và các sai phạm để các đơn vị khác nắm, chủ động phòng ngừa, chấn chỉnh.

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội xuống đồng thu hoạch lúa ở ngoại thành đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội xuống đồng thu hoạch lúa ở ngoại thành đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân

Vận dụng đúng đắn mối quan hệ giữa tự giác và bắt buộc

Trong câu chuyện với phóng viên An ninh Thủ đô, Đại tá Nguyễn Bình - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra, Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra Đảng ủy của CATP Hà Nội chia sẻ: Có một tâm lý - cách nghĩ khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị, đó là khi phải tiến hành thanh tra, kiểm tra thì cơ quan, đơn vị đang có dấu hiệu xảy ra vi phạm, sai phạm.

Thực tế, theo các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, mục tiêu của kiểm tra, giám sát là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên. Bên cạnh đó qua công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức Đảng và đảng viên để phát huy, đồng thời phát hiện và làm rõ những thiếu sót, hạn chế để kịp thời uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm.

“Công tác kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đây là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của mọi tổ chức Đảng, không chỉ để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém mà còn làm cho Đảng thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, do đó khi tiến hành kiểm tra, giám sát không nhất thiết đối tượng kiểm tra giám sát có dấu hiệu vi phạm (trừ trường hợp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm)”, Đại tá Nguyễn Bình nêu rõ.

Với vai trò là cơ quan tham mưu về kiểm tra, giám sát, Đại tá Nguyễn Bình cho biết, khi tham mưu cũng lựa chọn những lĩnh vực mang tính đặc thù của CATP như: công tác cán bộ, công tác giải quyết thủ tục hành chính, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, nơi có nhiều CBCS sai phạm; dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

“Trong kiểm tra, giám sát có một đặc điểm đó là các tổ chức Đảng vừa là chủ thể kiểm tra, giám sát, vừa là đối tượng kiểm tra, giám sát. Tất cả các tổ chức Đảng và đảng viên đều phải tự kiểm tra và chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng có thẩm quyền. Hiện nay có một tâm lý chung là các tổ chức Đảng và đảng viên được lựa chọn để kiểm tra, giám sát đều có tâm lý không thích và thường cho rằng mình “bị” kiểm tra, giám sát.

Do đó để việc kiểm tra, giám sát có chất lượng và hiệu quả thì cần vận dụng đúng đắn mối quan hệ giữa tự giác và bắt buộc, lấy tự giác là chính; giữa tự phê bình và phê bình, lấy tự phê bình là chính. Vì tự giác không chỉ là phương tiện mà là mục đích của công tác xây dựng Đảng. Chỉ có chính bản thân tổ chức Đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát mới thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm của chính mình, nếu tự phê bình tốt thì giúp cho tổ chức Đảng thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận thức rõ khuyết điểm, vi phạm của tập thể, cá nhân để sửa chữa, khắc phục”, đồng chí Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra Đảng ủy của CATP Hà Nội nêu rõ.

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy CATP được thành lập theo Quyết định số 229/QĐ-BCA, ngày 12-1-2021, và chính thức ra mắt, đi vào hoạt động từ ngày 24-12-2021 với nhiệm vụ tham mưu Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy CATP thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng theo Điều lệ Đảng.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cơ quan Ủy ban kiểm tra ghi nhận công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ CATP đã dần từng bước ổn định, hoạt động đi vào nền nếp, kỷ cương. Kết luận của các cuộc kiểm tra, giám sát nêu ít thành tích, mà tập trung đánh giá phân tích các tồn tại, hạn chế để từ đó đưa ra phương hướng, có biện pháp, giải pháp khắc phục. Đối với các đơn vị cơ sở cũng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trong công tác kiểm tra, giám sát. Nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát tại các đơn vị cơ sở được nâng cao.

Tuy nhiên còn một số đảng ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở vẫn còn nhầm lẫn giữa nhiệm vụ kiểm tra và nhiệm vụ giám sát; nhận thức chưa đúng giữa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và của Ủy ban kiểm tra. Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát của các đơn vị cơ sở còn hạn chế, các đơn vị vẫn chủ yếu thực hiện để hoàn thành chương trình công tác trong năm.

Trong công tác phát hiện, hướng dẫn, phòng ngừa, quản lý sai phạm của cán bộ chiến sĩ đã được nhiều đơn vị cơ sở thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên tại một số đơn vị công tác phòng ngừa sai phạm của cán bộ chiến sĩ chưa đạt hiệu quả cao.

Tính riêng giai đoạn 2019-2023, CATP Hà Nội triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, xử lý sai phạm, chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ chiến sỹ. Việc triển khai các văn bản chỉ đạo của CATP tuy có được các đơn vị thực hiện nhưng trong công tác kiểm tra, nắm tình hình, chủ động phát hiện cán bộ, chiến sỹ có vi phạm tại một số đơn vị còn yếu kém, dẫn đến nhiều trường hợp cán bộ chiến sĩ vi phạm bị phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng khác (cá biệt có đơn vị có cán bộ bị tước danh hiệu CAND và xử lý về hình sự). Việc này thể hiện sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ của đơn vị, không kịp thời phát hiện những biểu hiện sai phạm của cán bộ chiến sĩ, dẫn đến đơn vị có nhiều cán bộ chiến sĩ vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất, đạo đức, vi phạm các quy định nghiệp vụ của ngành mà phải xử lý hình sự trong thời gian vừa qua.

Theo Đại tá Nguyễn Bình, nhìn lại thời gian vừa qua, CATP đã ban hành nhiều văn bản về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm (Công văn số 6357/CAHN-PX01 ngày 20-12-2018 của CATP về việc chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm; Công văn số 4219/CAHN-PX01 ngày 13-6-2019 của CATP về việc chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm; Công văn số 4883/CAHN-PX01 ngày 2-7-2019 của CATP về công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa cán bộ liên quan đến vay nợ; Công văn số 6820/CAHN-PX01 ngày 6-9-2019 của CATP về chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm; Công văn số 1088/CAHN-PX01 ngày 12-2-2020 của CATP về công tác nắm tình hình, quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm; Công văn số 2445/CAHN-PX01 ngày 2-4-2021 của CATP về quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm....). Tuy nhiên, đây là những chỉ đạo mang tính giải pháp tình thế của CATP trong công tác phòng ngừa sai phạm, chưa có một giải pháp căn cơ, đưa ra những giải pháp tổng thể, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong CATP trong công tác quản lý phòng ngừa cán bộ, chiến sỹ sai phạm.

Với tình hình trên, ngày 6-4-2023, Đảng ủy CATP đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/ĐUCA về tăng cường quản lý phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong CATP. Và phải khẳng định rằng, việc Đảng ủy CATP ban hành Nghị quyết 18 trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, nhằm xây dựng đội ngũ CBCS Công an Thủ đô thực sự trong sạch, vững mạnh, có tư tưởng chính trị vững vàng, liêm chính, nhân văn, vì nhân dân phục vụ... Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Qua nghiên cứu Nghị quyết 18, Cơ quan Ủy ban kiểm tra nhận thấy, Nghị quyết được ban hành rất cụ thể, chi tiết, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra rất cụ thể. Để việc thực hiện Nghị quyết 18 có hiệu quả, các đơn vị cần nghiêm túc phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung cơ bản của Nghị quyết, với trọng tâm 7 nhiệm vụ, giải pháp. Đối với Cơ quan Ủy ban kiểm tra, Kế hoạch 181/KH-CAHN-PX01, ngày 26-4-2023 của CATP đã nêu rõ những nhiệm vụ phải thực hiện, theo đó, đơn vị sẽ tham mưu Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy CATP bổ sung nội dung giám sát một số đơn vị về việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 18. Bên cạnh đó, để việc thực hiện Nghị quyết 18 một cách bài bản, đồng bộ, “làm đến đâu chắc đến đó”, đồng thời nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 18, Cơ quan Ủy ban kiểm tra sẽ tham mưu Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy CATP tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 18 trong các năm tiếp theo đến hết nhiệm kỳ 2020-2025…”, đồng chí Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra, Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra Đảng ủy của CATP Hà Nội bày tỏ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Thẳng thắn, kịp thời nhưng cần quyết liệt, thường xuyên

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

- PV: Thưa ông, Đảng ủy CATP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 18/NQ-ĐUCA về tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong Công an thành phố Hà Nội, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Những năm gần đây, ngành Công an nói chung và CATP Hà Nội nói riêng đã có rất nhiều cố gắng trong việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Những nỗ lực đó đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy rằng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vẫn còn hạn chế, bất cập. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.

Tôi cho rằng, Đảng ủy CATP Hà Nội ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm là một việc làm kịp thời, thể hiện sự thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm, thiếu sót để sửa chữa, vươn lên. Việc thẳng thắn chỉ ra các biểu hiện suy thoái; xác định siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh cán bộ chiến sĩ sai phạm là tạo ra “hành lang” pháp lý để tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

- Trong Nghị quyết, CATP Hà Nội có nhấn mạnh đến vị trí của cấp ủy, thủ trưởng của từng đơn vị trong công tác quản lý chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Ông bình luận gì về nội dung này?

Tôi thấy rằng, Nghị quyết lần này, Đảng ủy CATP Hà Nội đã nêu đầy đủ về nguyên nhân, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Vấn đề còn lại là triển khai thực hiện. Điều này phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm của từng đơn vị. Nếu mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đường hướng mà Đảng ủy CATP đã nêu ra, hành động và đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và với chính mình thì việc thực hiện Nghị quyết sẽ mang lại hiệu quả cao.

Ở đây, tôi lưu ý cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Để hạn chế và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, trước hết lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị của CATP Hà Nội phải nhận thức đầy đủ, tự giác nêu gương để có các giải pháp tổ chức quán triệt đầy đủ, hiệu quả cho cán bộ, chiến sĩ dưới quyền về chấp hành pháp luật, kỷ luật. Được ví như “thanh bảo kiếm sắc bén” của Đảng, “lá chắn thép vững vàng” trong đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, mỗi cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chỉ huy trong lực lượng Công an Thủ đô cần có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sức chiến đấu cao, luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

- Trong mọi công tác quản lý thì quản lý con người là khó khăn, phức tạp nhất. Vậy ở một môi trường đặc thù như Thủ đô, CATP Hà Nội cần lưu ý điều gì khi thực hiện Nghị quyết 18, thưa ông?

CATP Hà Nội là đơn vị có quân số đông, địa bàn Thủ đô là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Để không xảy ra tình trạng nghị quyết thì hay mà thực hiện thì “gay trăm bề”, cần phải xây dựng kế hoạch bài bản, thiết thực. Như tôi biết, CATP đã có bản kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Điều này thể hiện sự tỉ mỉ, khoa học, kỹ lưỡng của đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội. Ngoài những việc trên, tôi cho rằng, phải xác định, tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ chiến sĩ sai phạm trong Công an thành phố Hà Nội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không để xảy ra hiện tượng nơi thì quyết tâm, chỗ lại “chùng xuống”.

Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết, cần phải có cái nhìn khách quan, tỉnh táo, không duy ý chí để tránh bi quan, tiêu cực. Thực tế, Công an Hà Nội có rất nhiều tấm gương tốt, nhiều gương dũng cảm, hy sinh, bị thương trên mặt trận phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống của nhân dân. Cần quan tâm, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt bằng việc động viên, khen thưởng; khuyến khích cán bộ, chiến sĩ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

An Nhiên (ghi)