“Sĩ diện” không phải thước đo

ANTĐ - Hàng ngày đi trên các nẻo đường, dù vội vàng, sấp ngửa hay ung dung thong thả, tôi có thói quen hay để mắt tới các khẩu hiệu, băng rôn về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm giăng ngang đường hoặc cây cao, cột điện.

- Những khẩu hiệu đó có tác động “đập” vào mắt người đi đường, “đánh” mạnh vào ý thức, giúp thay đổi hành vi còn gì.

- Thế ông nghĩ sao về tấm băng rôn ở một tỉnh miền Trung: “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”.

- Theo tôi, người “sáng tác” ra câu này muốn đánh vào sĩ diện của người vi phạm để người ta cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh, từ đó không dám vi phạm luật giao thông.

- Phản tác dụng. Câu tuyên truyền này vô hình trung xúc phạm đến những người dân ít có điều kiện học hành; đánh đồng họ với những người học nhiều, văn hóa đầy mình mà vẫn cố tình phạm luật.

- Cũng phải, không nên tuyên truyền bằng cách đánh vào sĩ diện, lương tâm kiểu như “Sản xuất rau an toàn là lương tâm của người trồng rau”. Bất kể ai sản xuất, chế biến thực phẩm mất an toàn gây hậu quả nghiêm trọng; bất kỳ ai vượt đèn đỏ đều phải bị xử phạt. Còn chuyện lương tâm, sĩ diện là việc khác.

- Thực ra, nhiều người vẫn nhầm tưởng lấy sĩ diện, lương tâm làm thước đo pháp luật. Đánh vào sĩ diện, kêu gọi lương tâm một cách rất trừu tượng như đánh vào… không khí, làm sao ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật dù là nhỏ nhất?