Sếp nữ ăn nên làm ra

ANTĐ - Công ty có phụ nữ trong ban giám đốc thường "ăn nên làm ra" hơn những công ty không có "bóng hồng" trong ban lãnh đạo. Đó là kết quả nghiên cứu của một Viện nghiên cứu Thụy Sĩ.

Nhân viên thường cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với sếp nữ

Là một trong những quốc gia được đánh giá cao không chỉ trên thế giới mà cả ở châu Âu về vấn đề bình đẳng giới, nhưng phụ nữ vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong giới doanh nhân Thụy Sĩ. Số phụ nữ được đề bạt giữ các cương vị lãnh đạo trong ban giám đốc các tập đoàn, công ty lại càng ít hơn.

Số liệu thống kê của Ban thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế Nhà nước Thụy Sĩ (SECO) cho thấy, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí điều hành cấp cao của công ty ở nước này năm 2010 mới chỉ ở mức 4%, tức là 96% vị trí lãnh đạo còn lại do nam giới nắm giữ. Tỷ lệ nữ trong ban giám đốc các công ty có khá hơn song cũng chỉ ở mức 8,3% .

Bà Heliane Canepa, người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí Trưởng điều hành Công ty phụ trách chỉ số tham chiếu SMI của thị trường chứng khoán Thụy Sĩ, cho rằng tỷ lệ nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo trong các công ty của Thụy Sĩ hầu như không tiến triển trong cả thập kỷ qua. Vì thế, theo bà Canepa, thời gian cho hành động tự nguyện đã qua và cần phải có những biện pháp mang tính chế tài nhằm thực thi bình đẳng giới trong lĩnh vực lãnh đạo các hoạt động kinh doanh.

Trái với những số liệu không mấy vui vẻ trên, phụ nữ đã phát huy rất tốt vai trò của mình khi giữ các trọng trách trong công ty. Một báo cáo dựa trên ghi nhận suốt 6 năm qua  của Viện nghiên cứu Credit  Suisse cho biết, những công ty có ít nhất một phụ nữ trong ban lãnh đạo thường làm ăn hiệu quả hơn tới 26% so với những công ty không có nữ trong ban lãnh đạo.

Thế mới thấy, tỷ lệ nữ trong ban lãnh đạo các công ty vẫn thua xa nam giới hoàn toàn không phải do vấn đề năng lực, trình độ mà chính là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn khá nặng nề dù ở quốc gia phát triển như Thụy Sĩ. Nỗ lực bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế cũng như những thành tựu đã đạt được trong chính trị và xã hội,  SECO đã công bố bộ quy tắc nhằm khuyến khích các công ty đề cử thêm nhiều phụ nữ vào vị trí lãnh đạo hàng đầu.

Cũng nhằm cải thiện thực trạng xem nhẹ vai trò của phụ nữ trong công việc kinh doanh ở Liên minh châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU - đã đệ trình một đạo luật yêu cầu các công ty thuộc 27 thành viên của liên minh này có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ trong công ty lên tới 40% vào năm 2020, nếu không sẽ bị phạt. Đạo luật đang chờ các thành viên thông qua này sẽ tác động tới khoảng 5.000 công ty EU có số nhân viên 250 người trở lên và thu nhập hàng năm trên 50 triệu euro.

Trong khi chờ đạo luật trên được thông qua vào đầu năm 2013 tới, một loạt nước EU như Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Hà Lan đã đưa tiêu chuẩn có ít nhất 40% lãnh đạo nữ trong ban giám đốc công ty vào luật pháp quốc gia. Công ty nào vi phạm sẽ bị tước bỏ các hợp đồng kinh tế của nhà nước.

Đạo luật của EC, đánh giá của Viện nghiên cứu Credit  Suisse được xem là những cú hích cho một cuộc cách mạng nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong hoạt động kinh tế không chỉ ở EU mà rộng ra cả thế giới.