Sau kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội:

Sẽ thay đổi cách dạy và học phổ thông

ANTĐ - Chưa thấy một học sinh nào khi được hỏi lại chê cách kiểm tra đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội cho biết. Còn hiệu trưởng một trường ĐH phối hợp tổ chức kỳ thi này với ĐHQG Hà Nội thì đưa ra mong muốn được sử dụng nguồn tài nguyên này của ĐHQG để áp dụng tuyển sinh cho trường mình.

Sẽ thay đổi cách dạy và học phổ thông ảnh 1Thí sinh hứng thú và nghiêm túc với kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: Hương Giang

Học sinh thích hình thức thi này

Sau 4 ngày bám sát các tin tức về kỳ đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring cho biết, học sinh của ông, cả học trò cũ và mới, giỏi hay trung bình khi tham gia kỳ thi này đều rất thích. “Chỉ có vài học sinh còn phàn nàn rằng câu của mình khó, câu của bạn dễ, tôi đã giải thích với các em rằng, trong số 140 câu hỏi, sẽ có các câu khó, dễ khác nhau và đã được phân chia theo tỷ lệ định sẵn” - ông Đặng Đình Đại cho biết.

Thông tin từ trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định cũng cho thấy thí sinh rất hào hứng với bài đánh giá năng lực. “Các em được làm độc lập đề thi trên máy tính, không có chuyện quay cóp, nhắc bài, làm trong một buổi thi lại biết điểm ngay. Thí sinh nào tham gia kỳ thi này cũng đều tỏ ra thích thú, kể cả các bậc phụ huynh” – ông Trần Văn Khiêm, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định cho biết. Các thí sinh không phải về Hà Nội dự thi,  không vất vả đi lại, ăn ở tốn kém, được lợi cả về kinh tế, sức khỏe, tâm lý. Thầy Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, là một trường học thuộc tỉnh miền núi nhưng học sinh không bị cản trở về trình độ công nghệ thông tin khi tiếp xúc với bài Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. “Kiến thức tin học trong nhà trường đủ để học sinh đáp ứng yêu cầu của kỳ thi này. Các em không làm được thì là lỗi của nhà trường, của thầy cô” - ông Trần Văn Hưng khẳng định.

Bên cạnh đó, cách ra đề dù có gây bất ngờ khi đa phần thí sinh vẫn quen với kiểu luyện thi truyền thống nhưng đã tạo hứng thú cho các em. Cùng với đó, cơ hội vào đại học rất lớn khi các em vẫn có thể tiếp tục đăng ký vào đợt 2 của kỳ đánh giá năng lực.

Giải quyết triệt để những vướng mắc

“Đây mới thực sự là đổi mới. Lâu nay tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của ngành giáo dục nhưng đổi mới triệt để như kỳ đánh giá năng lực lần này mới thực sự thuyết phục” – ông Đặng Đình Đại chia sẻ. “Đề thi của ĐHQG có câu hỏi liên quan đến Luật Hôn nhân gia đình. Đây là kiến thức trong môn Giáo dục công dân lớp 12 nhưng được hỏi theo cách vận dụng thực tế. Nếu thi tốt nghiệp THPT trước đây chỉ duy nhất có một lần thi Giáo dục công dân thì đề thi của ĐHQG Hà Nội đã tích hợp được các môn học khác vào bài thi, hạn chế được tình trạng học lệch, học tủ của học sinh. Hiện mới chỉ có một đơn vị là ĐHQG Hà Nội thực hiện cách thi này. Nếu nhiều trường thấy cuộc thi thành công và áp dụng thì rõ ràng sẽ tác động mạnh đến cách học và dạy ở bậc phổ thông” – ông Đại khẳng định.

Bên cạnh đó, tình trạng tiêu cực trong thi cử cũng được loại bỏ gần như tuyệt đối. Đại tá 

Nguyễn Công Chiến, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, CATP Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội vừa kết thúc với an toàn tuyệt đối từ đề thi, coi thi đến trật tự phòng thi, không phát sinh tình trạng quay cóp, phao thi. “Các máy tính, máy chủ đều hoạt động tốt. Đến thời điểm này chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào bị tin tặc tấn công”.

Nhấn mạnh về ưu điểm của cách tổ chức đánh giá năng lực này, ông Đặng Đình Đại nói: “Việc chấm thi, coi thi của ngành giáo dục lâu nay vẫn bị xã hội soi xét, ấn tượng về việc có khuất tất khi có chuyện gửi gắm, nâng điểm… Cách thi như của ĐHQG Hà Nội sẽ chấm dứt những nghi ngờ này”.

Khi được hỏi về việc có ý định áp dụng hình thức thi này trong việc tuyển sinh của trường, ông Trần Văn Khiêm cho biết, đây mới là lần đầu tiên triển khai hình thức thi này, trước mắt đã nhận thấy ưu điểm rõ ràng nhưng vẫn cần sự góp ý của các chuyên gia giáo dục và cơ quan quản lý của ngành là Bộ GD-ĐT. “Tôi rất mong muốn trường mình có thể hợp tác với ĐHQG Hà Nội để sử dụng tài nguyên của họ trong việc triển khai đánh giá năng lực thí sinh dự tuyển vào trường mình” – ông Trần Văn Khiêm chia sẻ.

Cần có thời gian để đánh giá kỹ hơn nhưng rõ ràng, cách đi mới và mục tiêu đúng đắn của hình thức thi này đã thuyết phục được đa số những người tham gia cũng như những người quan tâm quan sát 4 ngày diễn ra kỳ thi vừa qua.