Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Sẽ cấm hút thuốc trong nhà hàng

ANTĐ - Ngày 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về 2 dự án: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng chống rửa tiền. Không có nhiều ý kiến đánh giá cao tính khả thi của cả 2 dự luật này.

Phòng chống, quan trọng nhất là phải chỉ ra hành vi. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội)

Đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần quy định xử phạt nghiêm khắc hơn các hành vi vi phạm, nhất là việc hút thuốc nơi công cộng. Để đảm bảo tính khả thi, người đứng đầu địa điểm công cộng cần được trao quyền xử phạt. Đặc biệt, cần quan tâm xử lý nghiêm khắc hành vi buôn lậu thuốc lá, thậm chí có thể xử lý hình sự và tuyệt đối không cho tái xuất thuốc nhập lậu.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị, nguồn thu cho Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá “phải lấy từ túi của những người sản xuất, buôn bán, sử dụng” chứ không nên lấy từ ngân sách. Bà nói: “Không thể bắt những người không sử dụng thuốc lá phải đóng thuế để chi tiêu cho mục đích này”.

Chưa hài lòng với dự án luật, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thẳng thắn: “Tôi lo về tính nửa vời của luật”. Chẳng hạn, dự thảo Luật cấm hút thuốc trong tòa nhà kín (nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường...) nhưng cho hút trong phòng riêng. ĐB Phạm Đức Châu hỏi: “Người kinh doanh có làm phòng riêng không? Khách hàng có chịu “tự giam mình” vào đó để hút thuốc không?” ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) cũng đồng tình: “Việc quy định có địa điểm dành riêng cho hút thuốc lá đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng... là không thực tế.” ĐB cũng nhất trí với phương án tạo nguồn thu cho Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2%. 

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng chống rửa tiền. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự luật có đề cập tới một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống rửa tiền là nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định khách hàng là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của cá nhân có ảnh hưởng chính trị. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề, tình hình tham nhũng hiện nay khá nghiêm trọng. Vì thế, nên chăng quy định thêm trong dự luật, cấm quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để người thân lập doanh nghiệp nhằm rửa tiền từ tham nhũng. ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) chê dự luật chưa làm rõ được hành vi rửa tiền. Ông bình luận: “Đọc dự luật, tôi thấy chủ yếu việc phát hiện hành vi rửa tiền là qua giao dịch ngân hàng. Trong khi trên thực tế, hành vi rửa tiền có thể diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác trong kinh tế như bất động sản, chứng khoán…”. ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị thiết kế lại nhiều nội dung của dự luật để bảo đảm tính khả thi.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) nhận xét, nếu dự luật hướng đến phòng chống rửa tiền qua ngân hàng thì quy định như vậy là ổn, nhưng nếu so với cuộc chiến chống rửa tiền mang tính toàn cầu hiện nay thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lên tiếng: “Phòng chống quan trọng nhất là phải chỉ ra hành vi, nhưng trong dự luật lại không có quy định đầy đủ về vấn đề này”.

Nhiều ĐBQH kiến nghị làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong phòng chống rửa tiền. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nói: “Điều quan trọng là phải làm rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước về phòng chống rửa tiền và ngành công an là chống tài trợ khủng bố”. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành ngân hàng và công an để luật có tính khả thi cao khi thực hiện.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá

Ngày 22-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 22 đến ngày 31-5) và giới thiệu Dự án Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá năm nay là: “Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá đối với chính sách phòng chống tác hại thuốc lá”. Theo đó, sẽ tập trung nêu lên sự cần thiết phải phát hiện và ngăn chặn những hành động trắng trợn của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm làm suy yếu công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 40.000 người tử vong vì thuốc lá, ước tính năm 2030 con số này sẽ tăng lên 70.000 người. Bên cạnh đó, trên 33 triệu người lớn không hút thuốc và 2/3 số trẻ em Việt Nam phải thường xuyên chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động trong gia đình, nơi làm việc và các nơi công cộng.