Sẽ bỏ thanh tra xây dựng ở quận, huyện?

ANTĐ - Bộ Xây dựng đang lên phương án sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng tại quận, huyện, xã, phường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, sẽ bỏ Thanh tra xây dựng ở các quận, huyện, xã, phường, sáp nhập toàn bộ lực lượng này vào Thanh tra Sở Xây dựng và được tổ chức thành biên chế các đội.

Thanh tra xây dựng kiểm tra, xử lý một công trình xây dựng sai phép


Tất cả chuyển lên thành phố!

Theo nội dung dự thảo quy định mới về thanh tra xây dựng (TTXD), lực lượng này được xem là hệ thống cơ quan Thanh tra Nhà nước và chỉ được tổ chức ở 2 cấp: Trung ương (Thanh tra Bộ Xây dựng) và địa phương (Thanh tra Sở Xây dựng). TTXD sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra các cơ quan tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng.

Với các tỉnh, thành phố khác, vấn đề sẽ rất đơn giản nhưng tại Hà Nội, từ năm 2002, Thủ tướng đã cho phép thí điểm lập Thanh tra chuyên ngành xây dựng ở quận, huyện. Tiếp đó, năm 2007, Thủ tướng tiếp tục cho phép thí điểm lập TTXD quận - huyện, phường - xã, thị trấn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để sắp xếp lại, Bộ Xây dựng đề xuất, TTXD sẽ được tổ chức lại thành các Đội TTXD trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng, thống nhất trên toàn quốc. Lực lượng TTXD này làm việc theo sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, hoạt động cơ động hoặc đặt thường trực tại địa bàn quận, huyện, thị xã. Biên chế Đội TTXD do chủ tịch UBND tỉnh TP phân bổ trên cơ sở đề án do Giám đốc Sở Xây dựng trình nhưng tối thiểu không dưới 10 người đối với Đội TTXD liên quận - huyện, phường - xã, thị trấn và không dưới 8 người đối với Đội TTXD quận - huyện, phường - xã, thị trấn...

Sợ “hổng” trận địa

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, không nên bỏ TTXD ở quận, huyện, xã, phường. Trách nhiệm của chính quyền quận, huyện, xã, phường (trong đó, có TTXD) là phải quản lý sau cấp phép xây dựng cũng như kiểm tra điều kiện khởi công và ngăn chặn các vi phạm khác nếu có. Chỉ có chính quyền địa phương mới có thể làm được tốt điều này, còn các sở, ngành thành phố không đủ người cũng như thời gian để ngăn chặn. Chính quyền phường là sát dân nhất, chỉ một xe vôi, xe cát khi người dân cải tạo nhà, địa phương đều biết cả chứ TTXD nếu cứ “ngồi” trên cao quá thì sao nắm hết được từng việc xảy ra ở từng ngóc ngách trong thành phố...”.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Thọ, TTXD có đặc thù riêng, không giống với thanh tra giao thông nên không dễ tổ chức thành các đội theo dõi quận, huyện. Ông nói: “Có thể hiểu đơn giản là thanh tra giao thông có thể xử lý “nóng” ngay hành vi vi phạm trên đường nhưng TTXD không thể làm vậy. Tất cả đều phải căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ, kiểm tra thực địa...”.

Nên giữ nguyên như hiện tại

Cũng liên quan tới đề xuất bỏ TTXD tại quận, huyện, phường, xã, UBND TP Hà Nội vừa chính thức bày tỏ quan điểm với Bộ Xây dựng. Cụ thể, TP Hà Nội đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức lực lượng thanh tra xây dựng các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg. UBND TP cho rằng, bỏ TTXD ở cấp cơ sở là không sát thực tế. Nếu quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên toàn thành phố được giao tập trung về Thanh tra Sở Xây dựng TP, sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ này một cách hữu hiệu khi chính quyền cơ sở không trực tiếp vào cuộc, việc xử lý các vi phạm trật tự xây dựng dễ lặp lại những hạn chế của năm 2006 về trước.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi nêu rõ: “Tại Hà Nội, hoạt động xây dựng diễn ra thường xuyên, với tốc độ rất nhanh, hàng ngày hàng giờ và ở khắp mọi nơi, từ ngõ xóm, khu dân cư tới khu đô thị, dự án... Nếu người quản lý không phải là chính quyền cơ sở, không gắn bó sâu sát và trực tiếp với dân, thoát ly khỏi địa bàn thì không thể kiểm soát được tình hình và bức tranh về quản lý trật tự xây dựng đô thị lại rơi vào tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát.