Sau vụ 'chuyến bay giải cứu': Tài sản tham nhũng được xử lý thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ ‘chuyến bay giải cứu, cơ quan điều tra đã thu giữ hàng trăm lượng vàng, hàng trăm ngàn USD trong nhà các bị can, nhiều người hỏi, theo quy định,  việc xử lý tài sản tham nhũng được tiến hành ra sao?

Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, chức vụ. Theo đó, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xem xét áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội nếu các tài sản này chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc buộc trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đối với tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, gồm:

Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Tiền, tài sản bị chiếm đoạt; Của hối lộ; Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; Khoản thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội; Lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có; Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Tài sản thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách nhà nước không còn tại thời điểm giải quyết vụ án thì Tòa án quyết định tịch thu trị giá tài sản theo kết luận định giá của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung thì Tòa án chỉ tịch thu hoặc buộc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với phần tài sản có nguồn gốc từ tội phạm.

Lợi nhuận thu được từ khối tài sản chung này cùng được chia theo tỷ lệ để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Những bị can trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Những bị can trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Về các phương thức thu hồi tài sản do phạm tội mà có, hiện có 4 phương thức chính.

Thứ nhất, thu hồi tài sản trên bản án hình sự. Theo phương thức này, sau khi có phán quyết của Tòa án đối với bị cáo phạm tội. Việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có được thực hiện bằng việc ban hành và thực hiện quyết định thu hồi tài sản.

Những chủ thể là những người thực thi pháp luật sẽ phải thu thập chứng cứ, tìm kiếm và bảo vệ tài sản, thực hiện truy tố đối với cá nhân hoặc pháp nhân và có được phán quyết của toà án. Sau khi có phán quyết, toà án có thể ban hành lệnh tịch thu tài sản.

Trong trường hợp tài sản do phạm tội mà có đã được tẩu tán sang quốc gia khác, phương thức thu hồi tài sản sẽ dựa trên truy tố hình sự sẽ được thực hiện thông qua cơ chế hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

Thứ hai, tịch thu không dựa trên bản án hình sự hay gọi là thu hồi dân sự. Tịch thu không dựa trên bản án hình sự sẽ không cần thông qua xét xử và bản án hình sự, mà chỉ tiến hành quy trình tịch thu.

Thứ ba, thu hồi tài sản thông qua phán quyết hành chính, bao gồm thu hồi thông qua quyết định hành chính không cần phán quyết tư pháp, phong tỏa tài sản theo lệnh của cơ quan lập pháp hoặc cơ quan hành pháp, hoặc thi hành quyết định hành chính tại tòa án bởi việc ban hành các quyết định thu hồi tài sản sau đó.

Thứ tư, thu hồi tài sản thông qua kiện dân sự. Theo đó, cơ quan nhà nước tìm cách thu hồi lại các tài sản do phạm tội mà có, tài sản tham nhũng có thể lựa chọn việc khởi kiện tại các tòa án dân sự trong nước hoặc ở nước ngoài…