Sau tuần lễ hội, nghĩ về bản sắc

"Tổng kết" tuần lễ hội, nếu tính sổ cho hết có nhiều chuyện để bàn: trước hết là chuyện đau thương về những cái chết ở Đà Nẵng, lốc xoáy ở bãi tắm Cửa Lò và những thương vong do tai nạn giao thông. Rồi cuộc đại náo tại vũ trường giữa một thành phố yên tĩnh trong ngày lễ hội... Những chuyện này là lẽ tự nhiên nên không có gì để bàn mà chỉ cần chia sẻ là đủ.

Sau tuần lễ hội, nghĩ về bản sắc

"Tổng kết" tuần lễ hội, nếu tính sổ cho hết có nhiều chuyện để bàn: trước hết là chuyện đau thương về những cái chết ở Đà Nẵng, lốc xoáy ở bãi tắm Cửa Lò và những thương vong do tai nạn giao thông. Rồi cuộc đại náo tại vũ trường giữa một thành phố yên tĩnh trong ngày lễ hội... Những chuyện này là lẽ tự nhiên nên không có gì để bàn mà chỉ cần chia sẻ là đủ.

Chuyện cần phải bàn và đáng bàn là chuyện "hàng xóm láng giềng" hoặc là chuyện tình làng nghĩa xóm đã được một thành phố dự định đặt lên bàn cân pháp luật hay là thuộc vào phạm trù "cán cân công lý" - Đó là sửa nhà, cơi nới nhà, xây nhà phải có thêm một "giấy phép con" của hộ liền kề.

Báo giới đã lên tiếng rầm rầm về chủ trương này ngay cả khi toàn dân đang trong tuần lễ hội thì đủ biết vấn đề quan trọng đến nhường nào! Người ta bảo nếu ai "mua được láng giềng gần" thì có thể việc xin "giấy phép con" xong đến 90%. Nói 90% là còn để lại 10% dự phòng là bởi, 10% này phức tạp lắm! Khó khăn lắm! Bởi một viên gạch, một cành cây tỏa bóng mát mà vượt "biên giới" có lúc còn bươu đầu, sứt trán...

Chưa nói đến nào hướng gió, nào hướng "đình", nào "chấn trạch", nào "long mạch", nào "phong thủy", nào "thủy phong"... Đụng đến cái 10% ấy thì tiền của nào mua cho được người láng giềng gần! Còn những ai không làm được như câu ca xưa "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" thì con đường xin cho được cái "giấy phép con" ấy coi như "tự tuyệt" rồi! Coi như hết chuyện rồi!

"Hàng xóm láng giềng" hay "tình làng nghĩa xóm" là một thứ đạo lý, thứ tình nghĩa được tôn như "hương ước", như "quy chế", như "luật pháp" ở một thời xa xưa. Ngày nay, nó như một thứ giá trị thuộc về bản sắc làng xã, phường hội... trong một tập hợp các giá trị cũ có, mới có. Tuy vậy "hương ước", "quy ước" có tính làng xã, phường hội không phải thứ nào cũng có thể tự thân nó biến thành, trở thành luật pháp đương đại.

Nếu mà, chẳng may, ở đâu đó mà con người ta biến tất cả những bản sắc làng xã, phường hội trở thành luật pháp, thì có thể hình dung từ hạ tầng xã hội, đến tư tưởng xã hội không thể nào có được các đô thị, các con đường thiên lý, các con đường cao tốc, các tư tưởng về tự do, dân chủ... và pháp quyền như bây giờ.

Nói gọn lại "hàng xóm láng giềng", "tình làng nghĩa xóm" là những thứ thuộc về bản sắc, một trong những thứ bản sắc đáng trân trọng. Nhưng những thứ bản sắc này hoặc tương đương như thế này không nên và không thể biến thành, trở thành luật pháp trong bất kể thứ luật lệ nào ràng buộc những thứ quyền thiêng liêng của con người trong đó có quyền sử dụng, quyền sở hữu đất ở và nhà ở.

Còn nếu nói rộng ra hơn đối với những thứ "quyền" khác thì cái bản sắc "hàng xóm láng giềng", tình làng nghĩa xóm dù muốn hay không muốn, đã bị vượt qua từ lâu lắm rồi!

Thế nên cái "giấy phép con" của hộ liền kề là thứ "giấy phép" không nên có, không được có. Dù rằng mỗi khi sửa nhà, sửa cửa, xây cất nhà cửa đúng pháp luật người Việt Nam mình vẫn thường có cái lệ, cái thuộc về bản sắc là ăn mặc chỉnh tề, mang theo cơi trầu, cây thuốc để có lời chứ không phải xin "giấy phép con" với những nhà hàng xóm xung quanh.

Đó là văn hóa, đó là luật pháp mà đậm đà bản sắc nước Việt Nam ta, người Việt Nam ta.

Lò Văn Minh