Sau Tết: Rau thịt rẻ, hàng ăn đắt khách

ANTD.VN - Sau Tết Nguyên đán, chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đều mở cửa sớm, thậm chí một số siêu thị bán hàng thông Tết. 

Năm nay, không chỉ giá thịt lợn rẻ mà do thời tiết ấm áp nên giá các loại rau xanh sau Tết cũng không cao. Trong khi đó, do còn ít hàng quán mở cửa nên giá cả dịch vụ ăn uống trong và sau Tết tăng mạnh. Một số nơi vẫn tái diễn nạn “chặt chém” khiến khách hàng bức xúc.

Sau Tết: Rau thịt rẻ, hàng ăn đắt khách ảnh 1Sau vài ngày tăng nóng, giá rau xanh nhanh chóng hạ nhiệt

Rau xanh giữ giá

Trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 1-2, tức mùng 5 Tết), hầu hết các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa trở lại. Khảo sát tại một vài siêu thị, các mặt hàng rau củ, thực phẩm không có hiện tượng tăng giá. Tuy nhiên, chủng loại các sản phẩm chưa đa dạng, ít rau củ tươi.

Trong khi đó, tại một số chợ ở Hà Nội, giá các loại rau xanh đã trở lại mức bình thường. Cụ thể, cải bắp chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg, cải thảo 15.000 đồng/kg, su su 10.000 đồng/kg, xà lách từ 20.000 đồng/kg, hành 20.000 đồng/kg, súp lơ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/cây...

Chị Bùi Thị Liên, một người bán rau ở chợ Xanh Định Công (Định Công, Hoàng Mai) cho biết, đã mở hàng từ mùng 2 Tết. Tuy nhiên, giá cả chỉ tăng vào ngày mùng 2, mùng 3, đến ngày mùng 4 thì giảm về mức trước Tết. Cụ thể, ngày mùng 2 Tết, do ít người bán hàng nên giá các loại rau tăng gấp 2-3 lần, cá biệt một số loại rau thơm, cà rốt tăng lên đến 4-5 lần so với trước Tết Nguyên đán. Sang đến ngày mùng 4, mặc dù nhiều tiểu thương vẫn chưa mở hàng nhưng giá rau chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn khoảng 10-20% so với trước Tết. 

Theo chị Liên, do thời tiết nắng ấm, rau phát triển tốt, nguồn cung khá dồi dào, không khan hàng như mọi năm nên giá không tăng mạnh. Hơn nữa, năm nay, nhiều người tích trữ rau mua siêu thị hoặc mang rau từ quê ra nên các loại rau không bán chạy, chỉ các loại rau gia vị là nhiều người mua. “Ngày này năm ngoái, mỗi ngày cả vốn lẫn lãi tôi thu khoảng 6-7 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ được hơn 5 triệu đồng” - chị Liên cho biết.

Trên thị trường, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tăng giá nhẹ. Giá thịt lợn ngày mùng 5 Tết chỉ tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với ngày thường, chỉ có xương sườn giá cao hơn, tăng khoảng 20.000 đồng, lên mức 120.000 - 130.0000 đồng/kg. Thịt bò dao động 280.000 - 350.000 đồng/kg tùy từng loại, tăng khoảng 20.000 - 40.000 đồng/kg. Giò lụa giữ nguyên mức giá 130.000 đồng/kg. 

Riêng thủy, hải sản giá có phần nhỉnh hơn do nhu cầu tăng sau mấy ngày Tết ăn nhiều thịt. Ví dụ, cá chép tăng lên mức 100.000 - 120.000 đồng/kg (tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg)...

Giá cao vẫn đông thực khách 

Khác với thực phẩm, các nhà hàng dịch vụ ăn uống đắt khách từ đêm Giao thừa đến tận mùng 5 Tết dù giá đồng loạt tăng 50-100%. Chị Nguyễn Thị Tươi, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, bình thường một đĩa bánh cuốn giá chỉ 20.000 đồng nhưng ngày mùng 3 Tết giá lên tới 40.000 đồng. Bún cá giá bình thường 35.000 đồng/bát thì mùng 4 Tết tăng lên 50.000 đồng. Dù giá cao nhưng các quán ăn này vẫn đông nghịt khách, phải chờ lâu hơn ngày thường. “Dù giá cao nhưng những ngày Tết ít hàng quán bán nên điều này cũng dễ chấp nhận” - chị Tươi nói.

Anh Đỗ Duy Hương, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) lý giải, giá tăng do nhu cầu lớn trong khi số hàng quán mở cửa chưa nhiều; phần khác do tiền thuê nhân viên phục vụ tăng cao. “Đa số nhân viên về quê nghỉ Tết hết, tôi phải huy động người nhà và trả lương gấp 3 ngày thường thì mới có người làm. Khách hàng cũng thông cảm nên không ai phàn nàn về giá cả” - anh Hương cho biết. 

Trong dịp Tết, đây đó vẫn còn tình trạng nhà hàng, quán ăn “chặt chém” khách với mức giá tăng gấp nhiều lần. Đáng nói, không chỉ nhiều khách hàng không biết đã trở thành nạn nhân mà ngay cả những người lường trước, đã mặc cả cũng vẫn bị chủ hàng dùng nhiều “chiêu” xấu để tính giá đắt lên. Do đó, trên mạng xã hội, nhiều thành viên đã lên tiếng kêu gọi cùng nhau lập danh sách các nhà hàng, quán ăn không “chặt chém” trong dịp Tết để mọi người biết, sử dụng dịch vụ... đồng thời tẩy chay các địa chỉ bán hàng giá “cắt cổ”. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính quyền các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý dứt điểm những địa điểm “chặt chém” này.