- Các điều kiện, giấy tờ liên quan để được cấp “sổ đỏ”
- Tài sản bố mẹ cho sau hôn nhân là tài sản chung hay riêng?
- Phòng xử án “thân thiện” dành cho người dưới 18 tuổi
Luật sư trả lời:
![]() |
Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) |
Theo Điều 33- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo bạn chia sẻ, mảnh đất gần 100m2 tại một thị trấn ở tỉnh Bắc Giang, sổ đỏ chỉ đứng tên một mình chồng bạn do vợ chồng bạn mua năm 2007, khi còn đang trong thời kỳ hôn nhân nên tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng bạn, trừ khi bạn hoặc chồng bạn có căn cứ chứng minh là tài sản riêng của mình.
Hiện nay, bạn muốn khởi kiện để chia tài sản chung của vợ chồng thì theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, sự việc sẽ được giải quyết như sau: Nếu trong lúc bạn và chồng bạn giải quyết việc ly hôn thì tòa án sẽ giải quyết việc chia tài sản cùng với việc ly hôn theo quy định tại Điều 59 - Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, việc giải quyết sẽ thuận lợi hơn cho cả hai bên. Trường hợp vợ chồng đã ly hôn xong và bạn muốn chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ làm đơn khởi kiện đến tòa án quận, huyện, thị xã tại nơi có bất động sản. Đây là cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 39 - Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ.
![]() |
Có thể đề nghị tòa án giải quyết khi không thể thỏa thuận việc chia tài sản sau ly hôn |
Trước khi khởi kiện chia tài sản, bạn nên trao đổi, thỏa thuận với chồng bạn. Nếu hai bên thỏa thuận được thì việc phân chia tài sản sẽ theo thỏa thuận và không tốn kém chi phí. Trường hợp hai vợ chồng không thể thể thỏa thuận được thì đề nghị tòa án giải quyết theo quy định.
Căn cứ khoản 2, Điều 189 - Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ: Đơn khởi kiện theo mẫu (mẫu số 23, nghị quyết 01/2017 của Hội đồng thẩm phán); Biên bản hòa giải không thành có chứng nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất có chữ ký của các bên tranh chấp; Một số loại giấy tờ của (bạn) người khởi kiện như: chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng; Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định ly hôn giữa vợ chồng… Bởi theo quy định pháp luật tố tụng dân sự thì người nào khởi kiện vấn đề gì thì phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đó, nếu không tòa án sẽ từ chối yêu cầu khởi kiện.
Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.