Sau 1 năm Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực: “Ngậm bồ hòn làm ngọt”

ANTĐ - Tròn một năm kể từ ngày có hiệu lực, được xem như một thứ “bảo bối” thay thế cho pháp lệnh cùng tên, nhưng Luật Bảo vệ người tiêu dùng vẫn còn quá mơ hồ đối với người dân và ngay cả với các cơ quan thực thi. Lý do đưa ra nghe có vẻ rất phi lý, đó là: Việc tuyên truyền còn quá yếu kém.

Người tiêu dùng vẫn phải mò mẫm “tự bảo vệ” (ảnh minh họa)

“Châu chấu đá xe”

Một năm trước, lần đầu tiên một người tiêu dùng dám đứng ra khởi kiện đơn vị cung cấp dịch vụ ra tòa. Đó là anh Vũ Song Toàn (trú tại phố Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội) khách hàng của nhà hàng My Way, đâm đơn kiện nhà hàng này vì lý do làm mất xe của mình. Không chỉ gây xôn xao dư luận, sự kiện này còn thu hút sự chú ý của đông đảo người dân bởi việc các nhà hàng làm mất xe của khách bấy lâu nay đã khá phổ biến. Trước vụ mất xe tại My Way xảy ra, đã có hàng nghìn “khổ chủ” cùng chung cảnh ngộ giống anh Toàn nhưng tất cả đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Tâm lý ngại lôi thôi và các thủ tục phiền hà về pháp luật khiến đa số nạn nhân đành tự “an thần” chính mình bằng suy nghĩ “của đi thay người”.

Anh Vũ Song Toàn, nạn nhân của vụ mất xe máy kể trên trong khi vào sử dụng dịch vụ ở nhà hàng My Way đã cẩn thận hỏi ý kiến nhân viên lễ tân về nơi đỗ xe. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, phía My Way từ chối hoàn toàn trách nhiệm bồi thường. Sau khá nhiều lần chủ động đàm phán để tránh cảnh kiện tụng, nhưng anh Toàn và My Way không đạt được thỏa thuận. Cực chẳng đã, anh Toàn đâm đơn khởi kiện. Trước ngày khai tòa, anh Toàn tuyên bố: “Chúng tôi đi kiện không phải để tìm lại, đòi lại tài sản đã mất. Chúng tôi muốn được nghe chân lý, nghe thấy sự công bằng của luật pháp, sự nỗ lực của các cơ quan công quyền trong việc giúp đỡ những công dân lương thiện”.

Thế nhưng, điều đáng tiếc là tại phiên tranh tụng ngày 10-5, Toà án nhân dân quận Cầu Giấy đã tuyên My Way vô can và bác đơn khởi kiện của anh Toàn. Sau sự việc, Luật sư Trương Anh Tú, người đại diện cho anh Toàn tỏ ra hết sức thất vọng. Ông Tú cho biết: “Vụ việc của anh Toàn là điển hình để tòa áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào xét xử. Thế nhưng với việc người khởi kiện đã “nhẹ nhàng thua” ngay từ đầu khiến tôi ngờ rằng, niềm tin của người tiêu dùng đối với Luật sẽ mất đi và “cánh cửa” bảo vệ người tiêu dùng vừa “hé mở” đã bị “đóng sập lại”. Tất nhiên, anh Toàn vẫn còn quyền đề nghị những phiên tòa ở cấp cao hơn, nhưng việc “nhận bàn thua trước” khiến dư luận không khỏi nản lòng. Đôi khi người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng, một cá nhân đi kiện một doanh nghiệp mạnh cả thế và lực sẽ giống như câu chuyện “châu chấu đá xe” chứ chẳng mang lại kết quả gì”. 

“Buồn ngủ gặp chiếu manh”

Đánh giá sự tác động của Luật Bảo vệ người tiêu dùng thông qua vụ kiện My Way, ông Tú nhìn nhận: “Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có những điều “cần”, nhưng vấn đề là người thực thi thế nào để luật “đủ”. Người Việt Nam hay đổ lỗi cho luật nhưng trên thực tế là do cách vận hành chưa tốt. Đa số nghe nói đến kiện, đến cửa quan là sợ, ngại tiếp xúc và… sợ thất bại và thực tế cũng đúng phần nào. Chẳng hạn vụ mất xe máy tại My Way suốt hơn 1 năm qua vẫn chưa đâu vào đâu. Nếu để người tiêu dùng tự mò mẫm thì chưa biết sẽ kéo dài đến bao giờ”. 

Trả lời câu hỏi vì sao Luật Bảo vệ người tiêu dùng chưa mang lại hiệu quả? Ông Tú cho rằng đó là do việc tuyên truyền Luật còn quá yếu kém. “Sau khi tôi bào chữa cho thân chủ vụ mất xe máy thì khắp các tỉnh, thành trong cả nước gọi điện về, cũng có nhiều người trực tiếp đến để hỏi các thủ tục liên quan và nhờ hướng dẫn để họ kiện vì họ cũng là những người mất xe. Rất nhiều vụ người mất tài sản đã được đền bù thiệt hại. Như vậy có thể thấy, người dân chúng ta còn quá mơ hồ. Khi quyền lợi bị xâm hại họ không biết kêu ai và phải làm thế nào. Nếu tuyên truyền để người dân biết, người dân hiểu chắc chắn họ sẽ biết bảo vệ quyền lợi của mình tốt nhất và lúc đó Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ có hiệu quả”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì cho rằng: “Nếu xét một cách tổng quát về phạm vi ảnh hưởng thì có thể coi đây là bộ luật có độ bao phủ rộng nhất vì nó liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của gần 90 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy, nhưng tính tới thời điểm hiện nay thì sự phát huy vai trò của luật này chưa cao. Ông Hùng phân tích: “Trước tiên cần phải nói đến sự chậm trễ. Ngày 1-7-2011, Luật bắt đầu có hiệu lực, nhưng cũng phải 6 tháng sau Chính phủ mới có Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành và cũng phải mất một thời gian vài tháng nữa để có Nghị định hướng dẫn xử phạt. Do đó, nếu xét thời gian thực tế để có thể thực thi luật này một cách toàn diện thì cũng mới chỉ được 3 tháng nay. Đó là một bất cập”. 

Cũng theo ông Hùng, dù còn nhiều tồn tại như vậy, nhưng cũng phải nhìn nhận, sự ra đời của Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã tạo được một khung pháp lý để người dân có thể trông cậy khi quyền lợi của họ không được tôn trọng. Dẫn chứng về việc này, ông Hùng nêu ví dụ: “Trước đây, khi mới chỉ có Pháp lệnh về bảo vệ người tiêu dùng, Hội rất lúng túng và khó vận dụng pháp luật để tư vấn giúp đỡ người dân mỗi khi quyền lợi của họ không được nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng. Nhưng từ khi luật có hiệu lực, năm 2011 Hội đã tư vấn được cho gần 1.000 vụ người tiêu dùng khiếu nại với tỉ lệ thành công lên tới 87%. Tính chất khiếu nại về chất lượng và dịch vụ sản phẩm ngày một tăng nên Luật ngày càng được đòi hỏi cần phải phổ biến rộng rãi. “Buồn ngủ gặp chiếu manh”, dù còn hạn chế, nhưng tôi cho rằng có được một bộ luật như thế đã là rất nỗ lực rồi”.

Cần nói thêm rằng, trong việc phân cấp và quy định thẩm quyền giải quyết những sự việc liên quan tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có nội dung giao trách nhiệm xử lý cho chính quyền địa phương. Nhưng xem ra việc này khó khả thi. Đơn giản vì cán bộ địa phương không phải ai cũng có chuyên môn trong lĩnh vực này. Vì thế để họ có thể đảm đương được cần phải có một quãng thời gian tuyển dụng và đào tạo cán bộ. Mặt khác chính quyền địa phương vốn đã có quá nhiều việc nên rất khó để họ cử một đội ngũ chuyên trách chỉ ngồi chờ và giải quyết những khiếu nại của người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Chi nhánh Công ty Luật Fanci