Sắp tới, lái xe phải khám sức khoẻ định kỳ, xe ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo tại dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, người điều khiển phương tiện phải khám sức khoẻ định kỳ và xe ô tô cá nhân phải có thiết bị giám sát hành trình.

Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nêu rõ, điều kiện để xe cơ giới chuyên dùng tham gia giao thông là có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.

Như vậy, nếu quy định này được thông qua, sắp tới, ngoài xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô cá nhân cũng phải lắp đặt camera giám sát hành trình.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc ứng dụng công nghệ trong giám sát trật tự, an toàn giao thông là cần thiết nhằm tạo sự minh bạch, khách quan. Tuy vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình phù hợp với xe ôt ô cá nhân. Bởi hiện nay, việc lắp đặt thiết bị này trên xe ô tô còn mang tính tự phát, thiếu thống nhất, từ chủng loại, chất lượng thiết bị đến vị trí lắp đặt…

Việc lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô cá nhân đã khá phổ biến

Việc lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô cá nhân đã khá phổ biến

Ngoài nội dung trên, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cơ quan soạn thảo còn đề xuất quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.

Điều đó có nghĩa, không chỉ lái xe ô tô kinh doanh vận tải mà cả người lái xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô cá nhân cũng có thể phải khám sức khỏe định kỳ.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, yêu cầu về giấy khám sức khỏe của người lái xe mô tô, xe gắn máy chỉ được sử dụng trong việc thi giấy phép lái xe (GPLX) hoặc khi đổi lên hạng GPLX. GPLX được cấp cho người lái xe máy không quy định thời hạn.

Còn với xe ô tô, chỉ khi GPLX ô tô hết thời hạn, người dân nếu có nhu cầu lái xe tiếp mới phải nộp giấy khám sức khỏe làm điều kiện để được thi sát hạch cấp lại bằng lái xe.

Lái xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư liên tịch số 24 giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT.

Cụ thể, người sử dụng lái xe ô tô có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục trên xe), do đó, có cơ sở để giám sát việc thực thi.

Nhận xét về đề xuất này, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định lái xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ là cần thiết. Điều này cần thực hiện nghiêm ngặt đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải do hoạt động thường xuyên và kéo dài.

Đồng thời, dữ liệu khám sức khỏe của lái xe cần được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu sức khoẻ nhằm kiểm soát, có biện pháp thu hồi GPLX đối với những người không đảm bảo điều kiện về sức khỏe.

Đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, nên phân loại để quy định một cách hợp lý. Có thể quy định khám sức khỏe định kỳ 1-2 năm/lần với người lái xe mô tô phân khối lớn do tốc độ cho phép lớn hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATGT.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, giám sát việc khám sức khỏe của nhóm đối tượng này, tránh tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe tràn lan khiến mục tiêu đặt ra không những không đạt được mà còn gây tốn kém cho người dân.