Sao phải thí điểm?
(ANTĐ) - Trong những ngày gần đây người dân Hà Nội xôn xao với việc thí điểm phân làn đường trên tuyến đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng.
Theo đó, từ ngày 28-2-2008, các lực lượng chức năng như Công an, Thanh tra Giao thông công chính sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp đi không đúng làn đường trên tuyến đường này. Việc thí điểm này được coi là một sự kiện giao thông đầu năm của Hà Nội nhằm góp phần làm giảm tai nạn và hạn chế ùn tắc giao thông.
Nhìn vào thực tế, hiện Hà Nội có rất nhiều tuyến đường được phân làn rõ ràng như: đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… nhưng hầu hết người và phương tiện tham gia giao thông đều không tuân thủ. Vi phạm nhiều nhất vẫn là xe môtô và xe thô sơ. Ngay cả việc thí điểm phân làn đường ở Hà Nội cũng đã triển khai từ những năm trước. Năm 2005, triển khai thí điểm phân làn đường trên tuyến đường Kim Mã - Nguyễn Thái Học; năm 2007, tuyến đường Thái Hà - Chùa Bộc cũng được đưa vào thí điểm. Tuy nhiên việc duy trì các phương tiện đi đúng làn đường tại các tuyến thí điểm cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Hiện tình trạng đi sai làn đường tại hai tuyến đường trên diễn ra khá phổ biến.
Đi đúng làn đường là quy tắc giao thông đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, mức xử phạt các trường hợp vi phạm cũng được quy định rõ ràng tại các Nghị định của Chính phủ, vậy tại sao lại phải thí điểm một việc đã có quy định và chế tài xử lý rõ ràng? Thiết nghĩ, việc triển khai kiểm tra xử lý vi phạm cần phải làm trên diện rộng chứ không phải chỉ là thí điểm tại một hai tuyến đường.
Nguyễn Khoa