Những biển cảnh báo bằng tiếng Việt tại Singapore (trái) hay Hàn Quốc (phải)
Tự làm mình “xấu xí”?
Không phải tự nhiên mà những tấm biển viết bằng tiếng Việt như “Xin vui lòng không lãng phí thức ăn”, “Khu vực này cấm bỏ rác thải”… lại được đặt tại nhiều khu vực công cộng hay các nhà hàng ở Thái Lan, Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Từ thói quen nói lớn tiếng, gây ồn ào cho đến xả rác, lấy thừa thức ăn rồi bỏ phí… những hành vi không mấy đẹp mắt của người Việt đã không ít lần bị cộng đồng mạng và báo chí nước ngoài nhắc nhở, chê trách.
Thậm chí, nhiều người cho rằng, “cứ ở đâu ồn ào nhất thì ắt hẳn ở đó có người Việt Nam hoặc Trung Quốc”. Thật đáng buồn khi chúng ta lại đang bị so sánh với du khách Trung Quốc, vốn nổi tiếng ở nhiều quốc gia với những hành vi thiếu văn minh trong ứng xử khi đi du lịch.
“Cách đây không lâu tôi có xem đoạn video khách Trung Quốc thi nhau lấy tôm tại một nhà hàng ăn tự chọn ở Thái Lan. Hình ảnh khách du lịch Trung Quốc đã bị bêu riếu nhiều nơi. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì chẳng mấy chốc hình ảnh người Việt cũng bị tung lên truyền hình, báo chí nước ngoài như thế”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lo lắng.
Đáng báo động hơn là tình trạng người Việt đi du lịch thản nhiên phớt lờ quy định tại nước sở tại hay thậm chí ngang nhiên phạm pháp. Trong một cuộc tọa đàm nâng cao hình ảnh du khách được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt đã thẳng thắn điểm mặt những thói xấu của người Việt: “Tật táy máy, thích “cầm nhầm” đồ của người khác, đặc biệt là trong các cửa hàng, cửa hiệu ở nước ngoài đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nước có du khách Việt đặt chân đến”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng cho hay, đang có một tình trạng “xuất khẩu tệ nạn” do lợi dụng chính sách thông thoáng khi đi du lịch ở một số nước của một số người Việt. Từ móc túi, cướp giật đến buôn lậu, mại dâm, trấn lột, hoặc mang danh nghĩa đi du lịch để trốn ở lại, cư ngụ, lao động bất hợp pháp…, đã trở thành những chuyện khá phổ biến.
Không còn là chuyện cá nhân
Rõ ràng, hành vi ứng xử của một bộ phận người Việt khi đi ra khỏi nhà đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Điều này tưởng là nhỏ, nhưng gây ra những hệ lụy mà chúng ta không lường được. Một vài quốc gia đã bắt đầu có những động thái không mấy thiện chí đối với thị trường Việt Nam. Nhật Bản từng công khai danh tính những du khách Việt ăn cắp, Thái Lan đã thắt chặt quy định về thủ tục nhập cảnh với du khách Việt Nam một vài năm trở lại đây, còn Singapore từng từ chối nữ du khách Việt khi nhập cảnh vào nước này.
Vụ 46 du khách Việt bỏ trốn khỏi đảo Jeju, Hàn Quốc vừa qua được cho là cuộc bỏ trốn có quy mô nhất từ khi hòn đảo này áp dụng chính sách miễn visa vào năm 2002. Những hành vi trên không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh dân tộc, mà rõ ràng sẽ cản bước phát triển của du lịch Việt.
Ngày 16-4 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” tại Hà Nội. Không quá đao to búa lớn, chiến dịch này hướng tới 10 điều đơn giản, từ việc biết nói lời cảm ơn, biết xếp hàng, biết giúp đỡ người lớn tuổi hay tôn trọng văn hóa mỗi nơi mình đến…
Cũng trên cơ sở này, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam hoàn thành dự thảo “Chiến dịch phát động phong trào ứng xử văn minh khi đi du lịch”, trong đó nhắm vào 3 đối tượng, khách du lịch, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp du lịch để phổ biến rộng rãi trong thời gian tới.
Rõ ràng, nâng cao văn hóa du lịch đã không phải là câu chuyện của riêng cá nhân nào, khi các cơ quan quản lý, có chức năng trong lĩnh vực du lịch đã chính thức vào cuộc và lên tiếng. Vấn đề là thái độ tiếp cận, cũng như nhận thức của từng người ra sao, bởi đây không phải chỉ là câu chuyện ứng xử trong du lịch, mà là câu chuyện có tính giáo dục về văn hóa ứng xử của người Việt.