Săn tìm “thần dược” trên đỉnh Himalaya

ANTĐ - Trên những đồng cỏ thuộc dãy Himalaya ở độ cao 4.300m, cứ đến mùa xuân, hàng nghìn người dân Nepal đổ xô đi săn tìm loại sâu nấm, được biết đến với tên gọi Viagra Himalaya. Loại “thần dược” này trong những năm gần đây có nhu cầu và giá trị lớn trên thế giới, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, tuy nhiên, cái giá phải trả cho công việc này không hề nhỏ.

Mỗi mẩu yartsa gunbu như vậy có thể bán được 3-5 USD


Đổ xô tìm “đông trùng - hạ thảo“

Ram Bahadur Jafra cùng hai người anh trai bò sát mặt đất, vạch từng lá cỏ và chăm chú tìm kiếm.  Họ đã đi bộ 5 ngày đến được cánh đồng cỏ trên dãy Himalaya, ở độ cao 4.300 mét, sâu bên trong vùng Dolpa của Nepal để thu lượm một mặt hàng rất có giá trị, nó được gọi là sâu nấm Himalaya hay nổi tiếng với tên gọi “Viagra Himalaya”.

Sâu nấm, hay như gọi theo cách của người Tây Tạng là “yartsa gunbu”, thực chất là “đông trùng, hạ thảo” - mùa đông là côn trùng, mùa hè là cây cỏ. Chúng được tạo thành khi một loài nấm ký sinh ăn mòn những con sâu bướm dưới lòng đất, nếu những con sâu bướm này không bị nấm ăn, nó sẽ trở thành những con bướm ma. Sau khi nấm “ướp xác” những sâu bướm bên dưới mặt đất, nó sẽ tiếp tục sinh trưởng ở phần đầu của con mồi đã chết rồi mọc trồi lên mặt đất khi tuyết tan, mùa hè tới. Đó là thứ mà bao người dân đi tìm kiếm mỗi mùa xuân.

Không gian tĩnh lặng chỉ bị phá cho đến khi có một người sung sướng kêu lên vì tìm kiếm được thứ hiếm hoi. Hàng chục người lập tức chạy đến. Một người phụ nữ đã tìm thấy thứ hàng đặc biệt này bằng cách sử dụng một chiếc rìu đào một cái hố có đường kính khoảng 15cm rồi bới lớp đất lên. Đám người phỏng đoán giá trị của nó: “Nhỏ thế này, chắc chỉ khoảng 300 ruppee (3 USD)”. Rồi một người đàn ông trung niên đưa cho cô số tiền, sau đó anh ta mang đến một khu chợ ở Tây Tạng và bán lại chúng với giá cao gấp 3 lần. 

Giống như nhiều người khác, Ram Jafra và các anh em của mình đã tới đây thu hoạch với hy vọng kiếm được nhiều tiền. “Mọi người ở làng tôi nói rằng công việc này kiếm tiền rất dễ, nên chúng tôi đến đây” - anh nói. Những lời đồn đại về sự giàu có không phải là vô căn cứ. Theo các chuyên gia, giá trị thị trường của yartsa gunbu đã tăng 9 lần từ năm 1997 đến 2008. Một nghiên cứu cho biết, 500 gram yartsa gunbu chất lượng tốt có thể bán được với giá lên tới 13.000 USD ở Lhasa, Tây Tạng hay còn cao hơn nữa, 26.000 USD ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trong khi thu nhập trung bình hàng năm của những người thu hoạch đến từ khu vực phía tây xa xôi ở Nepal chỉ có 283 USD.

Cảnh sát ở Dolpa ước tính có khoảng 40.000 người di cư tới vùng này trong năm nay. Yartsa gunbu được y học truyền thống Tây Tạng và cổ truyền Trung Hoa đánh giá là “thuốc tiên”. Loại dược liệu này là một sự cân bằng tuyệt vời của “âm” và “dương”, vì nó là sự kết hợp của cả động - thực vật, có tác dụng tăng cường khả năng tình dục. Vì thế, những năm gần đây, loại “Viagra Himalaya” đã tăng mạnh cả về nhu cầu và giá trị trên khắp thế giới. 

Hậu quả nhãn tiền

Vài năm trở lại đây, khi cơn sốt “Viagra Himalaya” bắt đầu lan tỏa rộng hơn, thì một số lượng lớn thanh niên thay vì tìm đến các thành phố lớn để tìm việc lại tìm đường lên những đồng cỏ trên núi cao. Những đồng cỏ trước đây vốn hoang vắng, chỉ có lác đác những người chăn gia súc thì nay đã trở nên đông đúc với hàng trăm lều bạt của những người khai thác. 

Nhưng không phải ai cũng gặp may, nhiều người dân sau nhiều tuần tìm kiếm phải trở về tay không, thậm chí không ít người đổ bệnh. Ngoài việc tìm kiếm vất vả, họ còn phải đương đầu với nạn băng nhóm tranh giành những chỗ thu hoạch tốt. Chưa hết, khi kiếm được chút ít loại “thần dược” này, họ còn bị ép giá hoặc thậm chí là bị lừa gạt mất trắng. 

Tuy nhiên, khi dòng người đổ về khu vực này thu hoạch yartsa gunbu ngày càng đông, mối lo ngại về tác động đến môi trường cũng tăng lên. “Nhìn những ngọn đồi này, chúng đã bị người ta bới nát. Chỉ một năm nữa thôi, nó sẽ biến thành sa mạc” - Gyalpo Thandin, một sinh viên ở Dolpa nói. Thandin còn nhớ trước đây, mùa yartsa gunbu có nghĩa như một món quà tặng dành cho người dân quê anh chứ không phải là một cuộc cạnh tranh thương mại như bây giờ. Thandin còn cho biết, đàn bò sữa của gia đình anh đã chết trong mùa đông gần đây do nguồn cỏ bị cạn kiệt. 

Các biện pháp bảo vệ môi trường cũng mang lại đôi chút hy vọng. Cách đây 6 năm, một ủy ban của các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Dolpa đã thu mức phí 1.000 rupee (11 USD) đối với người dân địa phương và 3.000 rupee đối với người ở nơi khác tới đây thu hoạch. Số tiền này được sử dụng để đầu tư cho bảo vệ môi trường và trợ cấp thực phẩm cho những người dân làng trong khu vực. Nhưng càng thu phí, càng nhiều người đến thu hoạch hơn.

Một chuyên gia hàng đầu về loài sâu nấm trên Himalaya, nhà sinh thái học và địa lý học Daniel Winkler cho rằng sản lượng thu hoạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm số lượng nấm, lượng mưa, và sự thay đổi của khí hậu. Dù nguồn thu bao lâu nay tương đối dồi dào, nhưng việc thu hoạch quá mức đã làm cạn kiệt các bào tử nấm cho các mùa tới. 

Nepal là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, việc khai thác những mặt hàng có giá trị cao như yartsa gunbu có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân nhưng giữ được “mỏ vàng” trên dãy Himalaya cho thế hệ tương lai ở Nepal là cả một thách thức.