Sẵn sàng thiết lập đường dây nóng cho cử tri phản ánh

(ANTĐ) - Hôm qua, 10-5, 6 ứng cử viên của đơn vị bầu cử số 7 (huyện Sóc Sơn, Đông Anh) đã tiếp xúc với hơn 250 cử tri của huyện Đông Anh. Trong không khí bàn thảo sôi nổi thẳng thắn, ghi nhận chung cho thấy, các cử tri đều tỏ ra khá hài lòng với những câu trả lời cụ thể và thiết thực của các ứng cử viên.

Ứng cử viên tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử

Sẵn sàng thiết lập đường dây nóng cho cử tri phản ánh

(ANTĐ) - Hôm qua, 10-5, 6 ứng cử viên của đơn vị bầu cử số 7 (huyện Sóc Sơn, Đông Anh) đã tiếp xúc với hơn 250 cử tri của huyện Đông Anh. Trong không khí bàn thảo sôi nổi thẳng thắn, ghi nhận chung cho thấy, các cử tri đều tỏ ra khá hài lòng với những câu trả lời cụ thể và thiết thực của các ứng cử viên.

"Nếu trúng cử ĐBQH, các vị cần quan tâm hơn nữa tới chính sách việc làm cho người khuyến tật" Cử tri Phạm Hồng Phiên, chủ tịch Hội người mù huyện Đông Anh

"Nếu trúng cử ĐBQH, các vị cần quan tâm hơn nữa tới chính sách việc làm cho người khuyến tật"
Cử tri Phạm Hồng Phiên, chủ tịch Hội người mù huyện Đông Anh

Về lĩnh vực quốc phòng, ứng cử viên Đỗ Căn cho biết, sẽ làm tốt mục tiêu gắn kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh, xây dựng thủ đô thành khu vực phòng thủ vững chắc. Là Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự TP, ông Đỗ Căn quan tâm tới vấn đề giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, chế độ chính sách cho dân quân tự vệ, đẩy mạnh công tác dân vận.

  Đơn vị bầu cử số 7 (huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh) gồm 6 ứng cử viên: Ông Đỗ Căn -  Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự TP Hà Nội, ông Phạm Đình Đoàn-  Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, bà Phùng Thị Thu Hà- cán bộ Phòng Nghiên cứu và thí nghiệm vật liệu xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và kỹ thuật xây dựng Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh- Trưởng Ban Luật pháp chính sách, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phong Lan- Giáo viên Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, bà Phạm Thị Loan- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Á.

Về lĩnh vực kinh doanh, hai ứng cử viên Phạm Đình Đoàn và Phạm Thị Loan nhấn mạnh tới sự đầu tư chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế cho huyện Đông Anh như: Xây dựng các trung tâm thu mua lớn, chế biến bảo quản thực phẩm sạch, các trung tâm thương mại trên địa bàn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, phát triển tiểu thủ công nghiệp.

Ông Phạm Đình Đoàn với vai trò là Ủy viên Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, khẳng định sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào địa phương, tạo nguồn thu ngân sách. Bà Đoàn Thị Loan với kinh nghiệm đã đi thực tế ở nước ngoài nhiều, khẳng định sẽ vận dụng những bài học của nước ngoài để xây chính sách kinh tế vĩ mô cho đất nước, công khai quy hoạch để xác định rõ vùng đất sản xuất nông nghiệp ổn định.

Hai ứng cử viên trẻ nhất là Phùng Thị Hà và Nguyễn Thị Phong Lan  đã đi sâu vào những giải pháp chăm lo đời sống nhân dân địa phương, hoạch định chính sách hỗ trợ thanh niên làm giàu, thiết lập mạng lưới tư vấn sức khỏe, giới tính cho phụ nữ, vị thành niên, thiết lập mạng lưới đối thoại điện tử để có cơ hội gần dân. Ứng cử viên Trần Thị Quốc Khánh là đại biểu QH khóa XI cho biết, sẽ phát huy kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, nỗ lực tạo điều kiện cho huyện Đông Anh tiếp cận với các dự án, nguồn lực lớn, đẩy mạnh thực thi Pháp lệnh Người tàn tật, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, trợ giúp cho nhân dân vùng sâu, vùng xa.

Khá nhiều câu hỏi mang tính chất vấn trực tiếp tới trách nhiệm của các ứng cử viên đối với các vấn đề thời sự nhức nhối thuộc ngành mình công tác như chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, việc làm cho người khuyết tật, tiêu cực trong quản lý dịch vụ, văn hóa... Ông Phạm Hồng Phiên, Chủ tịch Hội người mù Đông Anh phản ánh, tại sao Pháp lệnh Người tàn tật đã được phê duyệt 9 năm  nhưng thực hiện thì không hiệu quả?

Việc tạo điều kiện cho người khuyết tật vào làm việc tại các doanh nghiệp đã thực sự đạt kết quả chưa? Ông Nguyễn Đức Hiến, xã Uy Nỗ trăn trở một thực tế, Việt Nam đã gia nhập WTO, giá cả phải theo mặt bằng chung của thế giới trong khi đó, mức thu nhập thì lại không theo kịp mặt bằng chung đó. Vấn đề tham nhũng sẽ làm sói mòn niềm tin của nhân dân, càng phải có cơ chế giám sát cấp cơ sở chặt chẽ để luật được thực hiện nghiêm túc. Nếu trúng cử ĐBQH, các vị sẽ phải có biện pháp cụ thể như thế nào? Do thời gian có hạn, nhiều cử tri đã gửi phiếu hỏi để các ứng cử viên có thể trả lời bằng văn bản trực tiếp sau này.

Đáp ứng mong mỏi của cử tri, các ứng cử viên đã khẳng định những việc làm cụ thể nếu trúng cử ĐBQH như: Thiết lập đường dây điện thoại nóng, lập văn phòng riêng của ĐBQH, nhằm cập nhật kịp thời các vấn đề bức xúc của địa phương, phản ánh tới Quốc hội một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, không phụ lòng tin của nhân dân.

Phạm Huyền