Sẵn sàng khởi kiện để đòi 14.237 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội

ANTD.VN - Sáng 16-11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. 

Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, tính đến hết tháng 10-2016, tổng số tiền nợ của BHXH các tỉnh, thành phố là 14.237 tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số nợ trên chưa kể bao gồm của các đơn vị giải thể, pháp sản, bỏ trốn. Với số nợ lớn như trên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động khi họ đã bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng bị doanh nghiệp chiếm dụng và đo đó người lao động cũng không được hưởng quyền lợi của mình.

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân nợ các loại bảo hiểm là do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động và từ cơ quan BHXH các cấp. Khởi kiện ra tòa được xem là biện pháp quyết liệt nhất nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, trong đó có tình trạng nợ BHXH. Mặc dù, Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ 1-1-2016 đã chính thức trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho các tổ chức Công đoàn nhưng cho đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nợ đóng BHXH nào bị tổ chức Công đoàn khởi kiện ra tòa án.

Quyết tâm khởi kiện các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động

Lý giải nguyên nhân chậm trễ trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, đại diện công đoàn cơ sở tỉnh Hòa Bình cho biết, trước đây, khi cơ quan BHXH tiến hành khởi kiện hành vi trốn đóng, nợ hoặc chậm đóng BHXH là theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường, còn tổ chức công đoàn thì phải khởi kiện theo thủ tục giải quyết tranh chấp lao động. Về nguyên tắc, thủ tục tố tụng lao động phải đưa tranh chấp đó ra hòa giải, nếu không giải quyết xong mới có thể đưa ra tòa. Ngoài ra, để khởi kiện được các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cần phải được người lao động ủy quyền. Tuy nhiên, trên thực tế người lao động thường không nắm rõ tình hình nợ BHXH hoặc e ngại vì lệ thuộc công việc và thời gian theo đuổi các vụ kiện thường kéo dài nên thường không đứng ra khởi kiện…

Nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai các giải pháp khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính chia sẻ, khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH là nhiệm vụ mới và quan trọng của tổ chức công đoàn. Vì mới nên sẽ có nhiều khó khăn trong việc triển khai. Tuy nhiên, dù khó tới đâu cũng phải làm để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố sẽ là đơn vị thực hiện khởi kiện trước tiên, không thể trông chờ sự ủy quyền của công đoàn các cấp cơ sở.

Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ với BHXH địa phương, xác định được các doanh nghiệp có khả năng thi hành án khởi kiện trước. Nhằm khắc phục những vướng mắc về mặt quy trình thủ tục, ông Mai Đức Chính yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khởi kiện gửi tới tòa án tỉnh, thành phố trong thời gian sớm nhất. Nếu tòa án không thụ lý yêu cầu có trả lời bằng văn bản: tại sao không thụ lý, quy trình thủ tục còn vướng mắc gì? Có như vậy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam mới có cơ sở để làm việc với Toàn án nhân dân tối cao, thống nhất về quy trình, thủ tục, văn bản hướng dẫn thực hiện quyền khởi kiện về BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014.