Sản phụ và trẻ sơ sinh liên tiếp tử vong: Không thể phủi sạch trách nhiệm

ANTĐ - Chỉ trong hơn 1 tháng (từ 20-4 đến 23-5), trên cả nước đã xảy ra 10 vụ tai biến tại các cơ sở y tế khiến nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong. Trong số này có thể do tai biến bất khả kháng nhưng cũng có những ca mà y tế tuyến trên, tuyến dưới đổ lỗi cho nhau, phần nhiều do bác sĩ tắc trách hoặc kém chuyên môn.

Sản phụ không thể yên tâm trước những vụ việc xảy ra gần đây

Ảnh minh họa

Tắc mạch ối hay tắc trách?

Như ANTĐ đã thông tin, gần đây nhất là trường hợp tử vong trẻ sơ sinh tại BV Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ngày 23-5. Chiều 29-5, trao đổi với chúng tôi, đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết vẫn đang tiến hành tìm nguyên nhân và chưa có kết luận cuối cùng về trường hợp tử vong này. Tính cả trường hợp này thì tổng cộng đã có 10 ca tai biến sản phụ khoa trong hơn 1 tháng qua, gây tử vong 9 bà mẹ và 7 trẻ sơ sinh. Vẫn biết tai biến sản phụ khoa luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, thế nhưng với số tử vong dồn dập, liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn như vậy thì quả là điều chưa có tiền lệ và càng không thể coi là chuyện bình thường.

Điểm chung từ các vụ tai biến này là những sản phụ khi nhập viện đa phần có tình trạng sức khỏe bình thường, thai nhi tiến triển tốt… nhưng chỉ trong thoáng chốc tai biến đã xảy ra và để lại hậu quả đáng tiếc. Với ca tử vong của cháu bé sơ sinh tại BV Vân Đình, đến nay những người thân trong gia đình sản phụ vẫn vô cùng bức xúc, không hiểu vì sao các chỉ số xét nghiệm của sản phụ trước đó đều hoàn toàn bình thường lại dẫn tới cái chết của cháu bé. Hay vụ việc tại BV Đa khoa Kinh Bắc (Bắc Ninh) trước đó khoảng một tháng, khi sản phụ Trần Thị L. đến nhập viện chờ sinh, tình trạng sức khỏe bình thường nhưng đến nửa đêm, gia đình sản phụ này đã phải đón nhận thông tin đau lòng rằng cả hai mẹ con sản phụ đã tử vong. 

Trước hàng loạt vụ tai biến sản khoa bất thường xảy ra, ngày 29-5, Bộ Y tế cho biết đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề này. Được biết, trong số các vụ tai biến đã xác định rõ nguyên nhân, chỉ có 1 ca ở BV Đa khoa Cao su Đồng Nai được xác định là do cán bộ y tế thiếu kinh nghiệm và xử lý chậm. Các trường hợp tử vong ở TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên và Đồng Nai được kết luận là do tắc mạch ối. 

Cần nhìn nhận nghiêm túc

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Lê Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho biết, trong các tai biến sản phụ khoa thì đa phần trường hợp tử vong là do tắc mạch ối vì nguyên nhân này xảy ra quá nhanh và khó chẩn đoán. Có đến 80% trường hợp mắc phải đều dẫn đến tử vong. Theo bác sĩ Dung, bình thường ngay từ lúc sản phụ mang thai đã tiềm ẩn những nguy cơ tai biến, trong đó có những tai biến bất thường, đến bất ngờ khiến bác sĩ không thể kịp xoay chuyển tình thế. Chính vì thuyên tắc ối xảy ra rất đột ngột, tương tự sốc thuốc và không dự báo được nên gia đình sản phụ thường khó chấp nhận lời giải thích của nhân viên y tế. Tuy nhiên, thống kê của ngành y tế lại cho thấy, thuyên tắc ối rất hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 1 trong 

8.000 - 30.000 trường hợp thai nghén. Vì vậy, liên tiếp 10 vụ tai biến tử vong xảy ra trong hơn 1 tháng mà đều đổ lỗi cho… tắc mạch ối, bất khả kháng thì khó thuyết phục.

 TS. Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em - Bộ Y tế cho biết, ở nước ta những năm gần đây, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao. Nếu tính số ca sinh khoảng 1.000.000 trẻ/năm, thì ước tính mỗi năm nước ta vẫn còn từ 690 - 700 ca tử vong mẹ, tức là trung bình có khoảng 2 ca tử vong mẹ/ngày. Về những ca tai biến tử vong sản khoa trong 2 tháng gần đây, ông Khê chia sẻ, để xảy ra tai biến là điều đáng tiếc với cả cán bộ y tế cũng như gia đình các sản phụ nhưng trên thực tế, các tai biến sản khoa có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và thai nhi vẫn là thách thức lớn đối với cán bộ y tế. “Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là không bao che, phải xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm trong việc để xảy ra tai biến dẫn đến tử vong. Phải nghiêm túc xem xét trong các trường hợp này để có các biện pháp giải quyết một cách toàn diện, chính xác và hiệu quả” - ông Khê nói.